Quá trình hình thành và phát triển xã Xuân Hòa

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về Xuân hòa ở đâu chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Xã Xuân Hòa cách trung tâm huyện Thọ Xuân hơn 2 km về phía Tây Bắc. Là vùng đất cổ nằm trong các địa danh đã được ghi trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, có dòng sông Chu và đường giao thông lớn chạy qua nên xã Xuân Hòa có nhiều điều kiện giao lưu xuôi, ngược và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cũng như bao làng, xã khác, từ những cư dân đầu tiên đến định cư, đời nối đời qua bao thế hệ đã cải tạo gò, đầm trở thành những cánh đồng thắng cánh cò bay, những triền bãi quanh năm xanh mướt rau màu, những xóm làng trù phú đông vui với những vườn cây cho đầy hoa trái. Là cư dân nông nghiệp, sinh sống trên vùng đất nắng lắm, mưa nhiều, dư thừa bão, lũ đã hun đúc cho người dân Xuân Hòa tính kiên trì, sáng tạo, cần cù và năng động dù sống trong hòa bình hay khi đất nước có chiến tranh. Cũng từ cuộc sống luôn đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, với kẻ thù tàn bạo đã tạo dựng cho người dân Xuân Hòa mối quan hệ xóm giềng, cộng đồng đầy tính nhân văn “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Nằm trên mảnh đất Thọ Xuân “Địa linh nhân kiệt” người dân Xuân Hòa đã sớm hình thành lòng yêu quê hương đất nước, sớm biết cầm vũ khí để chống kẻ thù xâm lược. Từ năm những năm 1930 của thế kỷ 20 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cách mạng Việt Nam chuyển sang trang sử mới, nhân dân Xuân Hòa đã một lòng theo con đường Đảng đã vạch ra. Trải qua cuộc đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, chống chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, hàng ngàn người dân Xuân Hòa, lớp cha trước, lớp con sau đã hăng hái tham gia các tổ chức cách mạng, vào quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đóng góp công sức, xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc. Nhiều người con ưu tú của Xuân Hòa đã yên nghỉ hoặc để lại một phần cơ thể trên những nẻo đường chiến đấu khắp Bắc – Trung – Nam.

Xuân Hòa cũng là vùng đất có truyền thống học hành thì cử. Cách đây gần 500 năm đã từng có người đậu tiến sĩ, cử nhân, được bổ nhiệm làm quan trong triều, ngoài trấn, để lại những dấu ấn trong lịch sử văn hóa nước nhà. Những năm đầu thế kỷ XX Xuân Hòa cũng đã có nhiều người theo học và đỗ đạt ở các trường văn hóa của chế độ cũ. Từ năm 1954 trở lại đây, phong trào học tập của Xuân Hòa càng được nâng cao. Hàng ngàn công dân Xuân Hòa đã có bằng cử nhân, đại học, cao đẳng. Nhiều người đã phấn đấu đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều người được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư, phó giáo sư. Đội ngũ trí thức đó đã đóng góp trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

Xuân Hòa hiện tại có 1898 hộ với 6.638 nhân khẩu hiện đang sinh sống tại quê hương(1). Ngoài ra còn có hàng ngàn công dân đang học tập, công tác, sinh sống trên khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Nhưng dù ở quê hương hay xa quê, người Xuân Hòa luôn giữ gìn kỷ niệm và truyền thống về nơi chôn nhau cắt rốn để truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Đã từ lâu, cán bộ và nhân dân Xuân Hòa mong muốn có một cuốn lịch sử ghi lại quá trình hình thành và phát triển của quê hương. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên mơ ước đó chưa thực hiện được. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/HU ngày 25 tháng 3 năm 2007 của Ban thường vụ huyện uỷ Thọ Xuân về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử”. Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đã nghị quyết về việc biên soạn “lịch sử xã Xuân Hoà. Với sự cố gắng của Ban Chỉ đạo, sự giúp đỡ nhiệt tình của các vị lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo xã qua các thời kỳ và đặc biệt là sự chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện uỷ Thọ Xuân, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Huyện ủy, sự giúp đỡ của Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa trong việc sưu tầm tư liệu và biên soạn “Lịch sử xã Xuân Hòa”.

Nay cuốn “Lịch sử xã Xuân Hòa” đã hoàn thành, ghi chép được nhiều số liệu, sự kiện trong chiều dài lịch sử quê hương. Nhân dịp cuốn “Lịch sử xã Xuân Hoà” xuất bản, phát hành chúng tôi xin trân thành cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Thọ Xuân, cảm ơn các tổ chưc chính trị, tổ chức chính tri – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp… các nhân chứng lịch sử, cán bộ, đảng viên và nhân dân có tâm huyết đã cung cấp tư liệu, đóng góp nhiều ý kiến. Cảm ơn Hội khoa học lịch sử Thanh Hoá, ban biên soạn, Nhà xuất bản đã giúp đỡ, tạo điều kiện để cuốn “Sử xã Xuân Hoà”được phát hành. Tuy nhiên trong quá trình sưu tầm tư liệu và biên soạn “Lịch sử xã Xuân Hòa” chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Kính mong bạn đọc gần xa đóng góp nhiều ý kiến để lần tái bản sau được đầy đủ, chính xác hơn.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG XÃ

Xã Xuân Hòa(1) là một trong 41 xã, thị trấn của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nằm bên bờ hữu ngạn sông Chu, là vùng đất trù mật, cận thị, cận giang, đất đai mầu mỡ, bằng phẳng, là đầu mối giao thông thủy bộ.

Trên bản đồ hình chính huyện Thọ Xuân, xã Xuân Hòa nằm ở gần trung tâm, toạ độ trung bình nằm ở vĩ độ 19o56’33”; kinh tuyến 105o29’56”. Diện tích đất tự nhiên 6 km2 66.

Theo dư địa chí huyện Thọ Xuân năm 2005, Xuân Hòa có diện tích đất tự nhiên: 6 km2 6645

Đất nông nghiệp: 4 km2 0325

Đất phi nông nghiệp: 2 km2 2193

Đất chưa sử dụng: 0 km2 4136

Đất đai của xã hình thang, cạnh đáy là sông Chu ở phía Bắc, Tây Bắc. Đất tự nhiên của xã đến giữa dòng sông. Bên bờ tả ngạn là các xã Thọ Lập, Xuân Tín, Phú Yên, Xuân Yên dài hơn 3 km. Phía Tây và Đông Bắc giáp xã Thọ Hải, phía Đông và Đông Nam giáp xã Xuân Trường, phía Nam giáp xã Xuân Giang.

Xuân Hòa cách thị trấn Thọ Xuân 2 km, có đường quốc lộ 47(1) chạy qua (đoạn đường chạy qua xã gần 2 km).

Ít có địa phương có vị trí thuận lợi như xã Xuân Hòa, phía trước là đường tỉnh lộ chạy qua, sau lưng là sông Chu. Sông Chu có tên cũ là Lường Giang. Sông Chu bắt nguồn từ cao nguyên Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) chảy qua vùng rừng núi phía Tây. Bái Thượng là nơi địa đầu của huyện nhận dòng sông Chu. Về sông Chu, sách Dư địa chí của Nguyễn Trải gọi là sông Lương (Lương Giang) tức là sông Chu hiện nay. Vì có sông Lương chảy qua nên đời Trần phần đất tả ngạn sông Chu của Thọ Xuân ngày nay và phần đất của huyện Thiệu Hóa có tên là huyện Lương Giang (đặt theo tên sông). Lê Thánh Tông đã có bài phú về sông Lương, Phan Huy Chú trong sách Dư địa chí cũng nhắc đến sông Lương. Sông Chu còn có tên khác là Sông Lam, sông Phủ và sông Lỗ (Đại Nam nhất thống chí, trang 267, tập II). Sách Thanh Hóa của Le Breton (Xuất bản lần thứ 3 năm 1926) còn ghi thêm các tên khác như sông Hương, sông Sũ. Khi thiết kế đập Bái Thượng người Pháp phiên âm chữ Sũ thành chữ Chu (chữ S người Pháp phiên âm thành chữ C và H (câm) thành ra Ch, trên chữ U không có dấu ngã thành ra chữ U nên đọc là sông Chu. Với 3 km dòng sông Chu chảy qua tạo cho xã thế cận thị, cận giang, một vùng sông nước hữu tình.

Trên dòng sông Chu, người Pháp đã xây dựng đập thủy nông Bái Thượng. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất xứ Đông Dương thời bấy giờ. Công trình này phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và vơ vét thóc gạo của thực dân Pháp. Công trình được thăm dò thiết kế từ năm 1898 nhưng phải dừng lại vì chiến tranh thế giới thứ I (1914 – 1918). Công trình được khởi động lại sau khi chiến tranh thế giới I kết thúc, Pháp là nước thắng trận. Dự án được toàn quyền Đông Dương duyệt chính thức vào ngày 24 tháng 1 năm 1918 và khởi công vào ngày 28 tháng 3 năm 1920. Đây là đập ngăn nước dài 160m, rộng 21m ở chân và 3m ở bề mặt, do đó khi nhìn thấy mặt hông của đập là hình thang. Hai đầu của con đập được dựa vào dãy núi vững chắc. Nó có thể nâng mức nước thấp từ 11m lên 16m80. Toàn bộ công trình được xây bằng bê tông cốt thép. Khi xây móng, phải xuống độ sâu 2 m mới gặp nền đá mà độ cao, thấp lại không đều nhau, do đó bề cao nhất của công trình đã lên đến 21 m.

Sau 7 năm thi công, công trình đập Bái Thượng và toàn bộ hệ thống kênh, mương đã được hoàn thành vào ngày 10/01/1926. Toàn quyền Đông Dương đã cắt băng khánh thành. Công trình chính thức được bàn giao cho Sở Thủy nông vào ngày 27/8/1926 để hoạt động từ đây. Sau khi hoạt động công trình thủy nông sông Chu (đập Bái Thượng) đã đảm bảo tưới nước cho trên 50.000 ha đất canh tác ở trong tỉnh.

Năm 1952 máy bay Pháp ném bom phá hủy đập Bái Thượng. Sau khi hòa bình lập lại (cuối năm 1954) đập được sửa chữa và đưa vào sử dụng. Nhờ hệ thống nông giang mà một phần ruộng đất của xã Xuân Hòa từ một vụ bấp bênh thành hai vụ chắc ăn.

Xã Xuân Hòa nằm ở vùng đồng bằng sông Chu, toàn bộ đất đai được hình thành từ quá trình tự lắng đọng của phù sa. Vùng bãi ngoài đê vài năm một lần được phù sa của các trận lụt bồi đắp nên đất rất mầu mỡ. Còn vùng đồng là đất phù sa cổ, đất thịt, ít bị chua. Đất đai có độ dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam, chỗ cao nhất so với mặt nước biển là 13m, thấp nhất là 9m. Nằm bên bờ hữu ngạn sông Chu, người dân quen với sông nước, mỗi năm chạy lụt vài lần vất vả. Mọi người đã quen sống với lũ lụt nên nhà nào cũng có gác cao để phòng khi nước lũ tràn vào. Hàng năm đôi ba lần nước lũ dâng cao. Nước lên, lo di chuyển đồ đạc lên gác, lợn gà đưa lên bè mảng. Khi nước xuống dù ngày hay đêm phải có người thường trực để lau rửa nhà cửa và đồ dùng trong nhà. Nhà nào chậm trễ thì khổ sở vì đất phù xa bám đầy tường, đầy nhà phải lau chùi hàng tháng mới sạch.

Hầu hết các nhà vùng ngoại đê có thuyền thúng, mảng luồng để đề phòng nước dâng lên cao, người dân vẫn còn nhớ những trận lụt lớn gần đây vào năm Giáp Thân (1944) vào đêm Trung thu, nửa đêm nghe tiếng nước réo và lác đác có tiếng kêu la của những nhà ở sát bờ sông. Mọi người bừng tỉnh, bước chân xuống đất thì nước đã vào nhà. Tài sản gia đình không ai kịp dọn, mọi người vội vã bắc thang leo lên gác rồi phá mái tranh ngồi lên nóc nhà kêu cứu. Sang năm Ất Dậu (1945) nạn đói lịch sử xảy ra do hậu quả của trận lụt năm trước gây nên. Mười năm sau, năm Giáp Ngọ (1954) lại một trận lụt lớn làm vỡ đê Thọ Nguyên, Căng Hạ… nạn đói lại xảy ra nhưng lần này không khốc liệt như năm 1945.

Với dòng sông Chu chảy qua tuy có gây ra cảnh ngập lụt với những hậu quả nặng nề nhưng cũng đem lại những thuận lợi to lớn. Đất phù sa đã đem lại cho xã Xuân Hòa vùng đất bãi mầu mỡ thuận lợi cho việc trồng dâu nuôi tằm, trồng mía và rau quả. Chính vì sống ở vùng đất tiện canh, tiện cư nên người dân bao đời nay gắn bó với quê hương làng xóm. Năm 1802 đã có xã An Lãng gồm các thôn Đông, Kim Phúc, Phúc Thượng, Đắc Thôn, An Phú, Mỹ Thượng, Nam Cường, Tỉnh Thôn (8 thôn này thuộc tổng Duyên Hào, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên) và xã Lãng Động gồm các thôn Trung, thôn Hạ, thôn Thượng và thôn Đăng Phúc (4 thôn này thuộc tổng Kiên Thạch, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên).

Xem thêm:  Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn: Di sản Văn hóa Thế giới

Xem thế đủ thấy dòng sông Chu đã tạo nên vùng đất mầu mỡ tốt tươi, trù phú, dân cư ổn định, làng xóm phát triển. Trên dòng sông Chu ngày xưa thuyền bè đi lại tấp nập. Đây là đường các vua nhà Lê mỗi lần về thăm quê hương qua lại. Thuyền rồng đi dưới sông, trên bờ dân lập hương án bái vọng, chiêng trống nổi lên khi thuyền qua địa hạt của từng làng. Trên dòng sông này, khi đã trở thành hoàng đế Đại Việt, Lê Thái Tổ đã 2 lần từ Đông Kinh về Lam Kinh, Lê Thái Tông 2 lần và Lê Thánh Tông đã 11 lần. Mỗi lần các hoàng đế về quê trên dòng sông Chu trở thành ngày hội sông nước.

Cũng chính vì có gần 3km sông Chu chạy qua mà người dân Xuân Hòa có nhiều người biết bơi và có những cách sinh hoạt riêng của vùng đất sông nước. Thuyền bè đi lại trên sông tấp nập, từ vùng ven biển những thuyền đò Gụ, đò Hới… thường xuyên qua lại mang theo cá, tôm, nước mắm, muối những sản phẩm của biển lên đối lấy gạo, ngô, khoai, đậu đỗ… của miền ngược. Có những con thuyền chở khách ngược xuôi mỗi ngày. Từ xa chủ thuyền đã thấy khách chờ đò ở bến. Thuyền cập bến chốc lát đón khách rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đò dọc chở khách xuất phát từ Bái Thượng đón khách dọc đường xuôi về Hàm Rồng. Khách đi đò sau một đêm nhàn du trên sông, ngắm trăng sao nghe điệu hát đò đưa, chớp mắt đã đến bến Hàm Rồng. Rồi lên bộ tiếp tục hành trình vào Nam hay ra Bắc.

Người Xuân Hòa có nhiều kỷ niệm buồn vui về dòng sông Chu quê nhà. Ngày xưa chưa có giếng cả xã phải xuống sông gánh nước về ăn, nước ngọt và trong suốt, nhưng về mùa nước lớn, gánh về phải để cho lắng động phù sa mới dùng được. Từ nhỏ trẻ em đã đi tắm trên dòng sông Chu, nên nhiều người biết bơi từ tuổi mới lên 10.

Là vùng tiếp giáp giữa hai nền khí hậu của đồng bằng Bắc Bộ và Khu 4 cũ, nối tiếp đồng bằng với miền núi, nên trong mặt bằng chung, khí hậu của Xuân Hòa vẫn là nền khí hậu của khu vực nhiệt đới gió mùa. Ngoài những yếu tố chung, khí hậu ở đây vẫn có những yếu tố khác biệt, đặc thù riêng vì nằm ngay bờ sông Chu nên khí hậu có phần thoáng mát hơn. Theo số liệu điều tra khảo sát của các cơ quan khí tượng thủy văn trong tỉnh, trong huyện thì các số liệu về khí hậu Xuân Hòa như sau:

Nhiệt độ bình quân năm 23.4oC, mùa hè nóng, mùa đông lạnh, những ngày nóng diễn ra trong tháng 6, ngày nóng nhất lên tới 39oC, ngày lạnh nhất vào cuối tháng 12 có những năm dưới 9oC. Mùa hè trung bình vào khoảng 28 – 30oC, mùa đông trung bình 25oC, năm cao nhất 27oC. Tháng 12 năm 2007 và tháng 1 năm 2008 nhiệt độ xuống 7oC.

Độ ẩm trung bình 86%, cao nhất 96% và thấp nhất 67%.

Hàng năm có hai mùa thay đổi.

– Mùa đông có gió mùa Đông Bắc thường rét khô và hanh thổi từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.

– Mùa hè có gió mùa Đông Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 8, đưa hơi nước từ biển vào làm khí hậu mát mẻ và có mưa. Mùa hè còn có gió Tây Nam (gió Lào) thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7 gây nóng và khô hạn, thời gian gió Tây 12 đến 15 ngày, chia ra nhiều đợt, trung bình mỗi đợt từ 2 đến 3 ngày, đợt dài 5 đến 6 ngày (gió này gây ảnh hưởng đến lúa xuân, ngô xuân gieo trồng muộn).

Hướng gió thịnh hành là Đông và Đông Nam, tốc độ trung bình 1,3m/s, lớn nhất 20m/s.

Từ tháng 7 đến tháng 10 thường có bão đổ bộ từ biển vào, tốc độ gió thường ở cấp 6 – 7, cá biệt có trận cấp 9 – 10 kéo theo mưa to, gây tác hại đến cây trồng và các công trình kiến trúc.

Lượng mưa trung bình trên dưới 1.860mm, năm cao nhất 2.947mm (1925), năm thấp nhất 1.459mm (1936), tháng mưa cao nhất là tháng 9, có những năm đến 15 ngày mưa. Từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa chính chiếm 85% lượng mưa cả năm, tập trung vào 3 tháng (8, 9, 10), lượng mưa trong 3 tháng này chiếm 50 – 60% lượng mưa cả năm, đây là giai đoạn thường gây ra lũ lụt. Từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa khô. Tổng lượng nước các tháng này khoảng 105 – 108mm, bằng 10 – 15% lượng mưa cả năm.

Lượng bốc hơi nước bình quân một năm là 707,5mm. Số ngày có sương mù trong năm từ 21 – 26 ngày, thường xuất hiện tập trung vào các tháng 10, 11 và tháng 12 có tác dụng tăng thêm độ ẩm không khí và mặt đất.

Với lượng mưa và nhiệt độ như vậy có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển cây lương thực, đặc biệt là cây mía và rau mầu.Tiếng nói và âm tiết của người Xuân Hòa là tiếng nói và âm tiết điển hình của người Thọ Xuân, một số người phát âm chuẩn nhưng hầu hết phát âm chưa chuẩn.

Về hưu phát âm là viền hiu

Nước phát âm là nác…

Sau này do có quan hệ với nhiều người Bắc, nhiều người nhập cư nên tiếng nói của người Xuân Hòa đã lai dần, gần giống ngữ âm chung.

Có một điều đến ngày nay các nhà ngôn ngữ học vẫn chưa thể giải thích được là hai xã Yên Lãng (bên tả ngạn là Xuân Yên, Phú Yên, bên hữu là Xuân Hòa) ăn chung một dòng nước sông Chu và tiếng nói và âm tiết của hai xã khác xa nhau.

Xuân Hòa là đất có truyền thống học hành thi cử, ngày xưa học trò học bằng chữ Hán, thứ chữ do các quan cai trị người Trung Quốc du nhập sang. Các văn bản nhà nước, sách vở, thư từ giao dịch đều bằng chữ Hán, cũng còn gọi là chữ Nho, chữ thánh hiền. Sau này ở đời Trần người Việt Nam theo mẫu tự chữ Hán rồi giản hoặc thêm nét, sáng lập ra thứ chữ mới gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm là chữ của người Việt. Người biết chữ Hán mới học được chữ Nôm. Người Trung Quốc dù giỏi chữ Hán cũng không đọc được chữ Nôm. Vì vậy mà người học chữ Hán không nhiều.

Ngày xưa cả làng góp tiền mời một cụ đồ (thường là người Nghệ An – đồ Nghệ). Cũng có nhà giầu có mời riêng thầy cho con cháu học. Học 10 năm thì thành tài (tục ngữ có câu “thập niên đăng hỏa” – 10 năm đèn sách). Mỗi phủ có một trường học. Phủ (huyện) Thọ Xuân mở trường năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị để dạy con em những gia đình khá giả. Cả huyện Thọ Xuân trong lịch sử 1.000 năm học hành thi cử (1075 – 1919) Xuân Hòa có 2 người đậu tiến sĩ(1), 5 người đậu cử nhân Hán học là: 1. Trịnh Văn Liên, đỗ cữ nhân thời Lê Thánh Tông, sau đỗ tiến sĩ; 2. Đỗ Đình Đoan (Thuỵ) sau đỗ tiến sĩ; 3. Nguyễn Danh Nho (đỗ năm 1735) người xã Yên Lãng, huyện Lôi Dương làm quan giáo dục; 4. Khương Bá Diện(1) người làng Mỹ Thượng, huyện Lôi Dương đậu năm Tự Đức thứ V (1852) làm quan Huấn Đạo; 5. Lê Công Nghị2, người xã Yên Lãng, huyện Lôi Dương đỗ năm 1705 đời Lê Dụ Tông, làm quan Tri huyện. Với đa số người dân việc học chữ Hán không nhằm đào tạo các nhà khoa bảng mà cốt cho con em có ít chữ thánh hiền, biết làm các văn tự, khế ước, thờ cúng ông bà tổ tiên. Học để làm người có ít nhiều hiểu biết để đối nhân xử thế chứ không phải học để làm quan. Đến nay trong xã còn vài cụ cao niên có thể đọc được các văn bản Hán, Nôm. Việc học ngày xưa chưa thành nề nếp mà hình như chỉ những gia đình kinh tế khá giả mới đủ điều kiện cho con cái theo đòi bút nghiên. Làng, xã có văn chỉ thờ các vị tiên hiền, các nhà khoa bảng.

Khi việc học hành, thi cử bằng chữ Hán kết thúc (năm 1919) thì những lớp học chữ Nho vẫn tồn tại. Mục đích của việc học ở đây khác với việc học kiểu khoa cử để đào tạo quan lại mà chỉ nhằm mở mang dân trí, nên khi không còn thi cử Hán học, dân ta vẫn cho con em đi học. Có khác là các lớp học chữ Hán có mở thêm việc học chữ Quốc ngữ. Việc học chữ Quốc ngữ ở các lớp học cũng chỉ nhằm mục đích cho người học biết đọc, biết viết để đọc các giấy tờ của phủ, huyện gửi xuống. Người biết chữ viết giúp người không biết chữ đơn từ, khế ước. Các văn bản ấy phía dưới thường đề họ tên người viết, còn chủ nhân thì điểm chỉ. Người điểm chỉ dùng ngón tay cái bôi mực đen (thường là nhọ đèn dầu hoả) đặt lên văn bản.

Từ sau năm 1920 trong xã đã có một số người biết chữ quốc ngữ (chữ đọc theo ký tự a, b, c …). Đây là thứ chữ do các nhà truyền giáo sáng tạo để đọc kinh, sau được dùng phổ thông trở thành quốc ngữ. Học quốc ngữ dễ hơn học Hán Nôm, chỉ cần thuộc mặt 24 chữ cái rồi chép lại thành chữ, thành câu.

Từ đây các văn bản của làng được dùng cả hai ngữ văn: Hán – Nôm và quốc ngữ và cũng từ đây chữ Nôm không còn là quốc ngữ, nhưng các văn tự vẫn còn dùng. Ông Lý trưởng của làng khi làm văn bản trình quan phủ dùng cả hai loại văn tự, sau này chữ quốc ngữ trở thành thứ văn tự chính thức. Lúc đầu các cụ đồ vừa dạy cho học trò chữ Hán, chữ quốc ngữ và có khi cả chữ Pháp. Chữ quốc ngữ là thứ chữ dễ học, dễ nhớ chỉ cần vài ba tháng người học có thể đọc thông viết thạo, làm thơ, viết văn.

Sau những năm 20 của thế kỷ XX, Thọ Xuân có trường Tiểu học chuyên dạy bằng chữ Quốc Ngữ. Sau đó Xuân Hòa có trường sơ học dạy cho học sinh đến lớp đầu cấp. Trường mang tên là trường Lãng Động và tồn tại đến 1945 (năm học đầu tiên sau cách mạng tháng 8 trường Lãng Động có 18 học sinh lớp 5, 15 học sinh lớp 4 do thầy giáo Năm người Nghệ An dạy).

Xã Xuân Hòa gồm 12 làng cổ của 2 tổng Kiên Thạch và Duyên Hào thuộc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân thời Pháp thuộc.

Thời Nguyễn (Tự Đức 1861) kiêng tên huý của Nguyễn Kim (ông tổ của dòng họ Nguyễn làng Gia Miêu, khởi nghiệp của vương triều Nguyễn) nên Kim đổi thành Kiên, tổng Kim Thạch đổi thành Kiên Thạch từ thời vua Minh Mạng. Thời Gia Long thành lập tổng Kim Thạch gồm 9 thôn, xã trong đó có xã Lãng Động:

Xã Lãng Động gồm có: thôn Lãng Động, thôn Thượng, thôn Trung, thôn Hạ.

Tổng Diên Hào thời Gia Long có 22 xã, thôn trong đó có xã An Lãng.

Các thôn thuộc xã An Lãng gồm:

1. Thôn Tĩnh

2. Thôn Đông.

3. Thôn Kim Phúc (sau đổi thành Kiêm Phúc).

4. Thôn Phúc Thượng

5. Thôn Đắc.

6. Thôn An Phú

7. Thôn Mỹ Thượng

8. Thôn Nam Cường.

Như vậy, căn cứ theo thư tịch đời Gia Long, xã Xuân Hòa có:

1. Đất tổng Kim Thạch (Kiên Thạch) gồm xã Lãng Động với 4 thôn: Lãng Động, thôn Thượng, thôn Trung và thôn Hạ, thời Đồng Khánh thôn Lãng Động đổi thành Sở Lãng Động ( có thời gian gọi là làng Sở, làng Sở ở doi đất cao giữa dòng chảy sông Chu nên rất nguy hiểm vào mùa mưa lũ. Năm 1963 và 1964 cư dân làng Sở rời về sinh sống ở làng Thượng và làng trung nên nay làng Sở không còn).

2. Đất tổng Duyên Hào (Diên Hào) gồm 8 thôn An Lãng (Yên Lãng) là Tỉnh Thôn, Kiêm Phúc, Phúc Thượng, Đắc thôn, An Phú, Mỹ Thượng, Nam Cường, Thôn Đông). Cả 8 làng xã trên đều dài đến 4 hoặc 5 chữ. Ví dụ như An Lãng Kim Phúc thôn, An Lãng Nam Cường thôn, An Lãng Mỹ Thượng thôn, An Láng Phú thôn…

Trong lịch sử các tài liệu còn để lại đều gọi chung 8 thôn này là “Yên Lãng bát thôn”. Cả 8 làng đều thuộc xã Yên Lãng nhưng xã không phải là cấp trên của các thôn. Các thôn làm việc trực tiếp với Tổng. Xã chỉ có quan hệ với các thôn mỗi khi mở hội, cúng thần hoàng…

Các làng quan hệ lân bang nhưng không có quan hệ phụ thuộc và đều thuộc tổng Diên Hào và Kiên Thạch, huyện Lôi Dương (trước là Cổ Lôi) phủ Thiệu Thiên rồi phủ Thọ Xuân, rồi đổi phủ thành huyện Thọ Xuân.

Mỗi làng có hội đồng chức dịch cai quản mọi việc trực thuộc tổng và huyện (phủ). Các chức sắc có:

– Lý trưởng: Có phó lý giúp việc, phụ trách mọi việc trong làng như thu tiền sưu, giải quyết các việc tranh chấp, giữ đồng triện (đồng triện của lý trưởng hình chữ nhật).

Xem thêm:  Vua Ngô Quyền quê ở Hà Nội, Thanh Hoá hay Nghệ - Tĩnh? - Dân trí

– Hương bạ: Coi việc sổ sách, nhân khẩu, khai sinh, giá thú, tử tuất, thổ trạch. Khi có người chết chủ hộ phải khai báo với hương bạ. Hương bạ cũng có đồng triện hình bầu dục.

– Hương kiểm: Chịu trách nhiệm trật tự, an ninh, có đội tuần phiên, làng có điếm canh phòng ngày đêm nhất là những năm mất mùa, trộm cắp nhiều.

– Hương bản: giữ quỹ và tài sản chung của làng.

– Hương mục: Trông coi đê điều, đồng ruộng.

Về sau có thêm:

– Hương dịch: Trông coi việc dọn dẹp đường xá.

– Hương thư: Coi việc giấy tờ, văn thư.

– Hương nông: Coi việc khuyến nông, mương máng, tưới tiêu.

Từ năm 1945 các làng đã có thay đổi về tên gọi, hợp nhất, phân chia. Đến nay Xuân Hòa có 10 làng.

-Làng Thượng Vôi tên cũ là thôn Thượng

-Làng Trung Thành 1 tên cũ là thôn Trung

-Làng Trung Thành 2 tên cũ là thôn Trung

-Làng Hạ Long tên cũ là Lãng Động Hạ

-Làng Khải Đông tên cũ là Nam Cường + thôn Đông

-Làng Kim Ốc gồm 3 làng nhập lại: thôn Đắc, An Phú,Mỹ Thượng

-Làng Kim Phúc tên cũ là Kiêm Phúc

-Làng Phúc Thượng tên cũ là Phúc Thượng

-Làng Tỉnh Thôn 1 tên cũ là thôn Tĩnh

– Làng Tỉnh Thôn 2 tên cũ là xóm Đại Đồng ( xóm Đại Đồng chỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 do cư dân của một số làng trong xã về định cư).

Trong các thư tịch cổ người ta gọi các làng của Xuân Hòa ngày nay là Láng. Các làng láng kéo dài đến tận xã Xuân Trường (làng Xuân Phả) và gọi chung là Kẻ Láng.

Những làng cổ có tên “Kẻ” xuất hiện khá sớm trong lịch sử Việt Nam như Kẻ Xốp (Xuân Lập), Kẻ Vực (Xuân Thành), Kẻ Căng (Thọ Nguyên), Kẻ Neo (Bắc Lương), Kẻ Nưa (Triệu Sơn), Kẻ Chè (Thiệu Hóa)…

Khi chưa thành lập làng xã có tên làng, xã, đông, sách, thôn… thì kẻ là từ để người ta chỉ một vùng dân cư rộng lớn. Láng Thượng Vôi, láng Yên Lãng, láng Xuân Phả là những vùng đất phì nhiêu dân cư đông đúc, có quan hệ rộng rãi đến với các vùng khác.

Căn cứ theo các thư tịch cổ và các cứ liệu lịch sử so sánh vùng đất Xuân Hòa có người cư trú khá sớm, ít nhất là từ thời nhà Trần (cách đây hơn 800 năm) nhưng thành đơn vị hành chính vào đầu thời hậu Lê (1428).

Hiện tại trên địa bàn xã có 107 họ (theo số liệu của các thôn). Có họ do nhập cư từ nơi khác đến mới trên mười năm hoặc do chuyển cư từ thôn nọ sang thôn kia. Chỉ có khoảng 30 họ lớn theo truyền tụng và gia phả họ đã định cư đã vài chục đời ở địa phương. Qua khảo sát không có ông tổ họ nào được phong là thành hoàng của làng.

Các họ đông người hơn cả là họ Đỗ (có nhiều nhành như Đỗ ngọc, Đỗ Văn, Đỗ Đình, Đỗ Tuấn, Đỗ Như…), họ Lê, họ Nguyễn, họ Trịnh, họ Hồ, họ Khương, họ Hà, họ Bùi, họ Mai, họ Đào, họ Lưu, họ Phùng.

Văn bia, sắc phong nhắc đến tên đất, tên người Xuân Hòa còn khá đầy đủ.

1. Văn bia Quốc tử giám còn hai tấm bia nhắc đến tên 2 người là Trịnh Văn Liên và Đỗ Đình Thuỵ.

– Trịnh Văn Liên người xã Yên Phúc huyện Lôi Dương, xem trong bản đồ Đồng Khánh thì thấy ở vùng đất Xuân Hòa ngày nay có 2 làng Kim Phúc và Phúc Thượng thuộc xã Yên Lãng. Các nhà nghiên cứu cho là hai làng này vốn là làng Yên Phúc chia ra.

Các sách thời Lê như Đại Nam thực lục đăng khoa, Đại Việt lịch đại đăng khoa, Lịch huyện đăng khoa, Lịch đại tiến sĩ thực lục đều ghi giống nhau về tiểu sử của Trịnh Văn Liên đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 38 tuổi khoa thi Canh Tuất (1490) đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức làm quan đến chức Quang lộc tự thiếu khanh. Một người đậu tiến sĩ thời Lê Thánh Tông, thời mà việc học hành thi cử rất nghiêm ngặt. Chính nhà vua xem lại toàn bộ bài vở và cho Trịnh Văn Liên đậu tiến sĩ.

– Đỗ Đình Thuỵ (Đoan) người xã Yên Lãng, huyện Lôi Dương đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân thời vua Lê Dụ Tông (1715) làm quan hiến sát sứ (đứng đầu tỉnh).

Các sách: Các nhà khoa bảng Việt Nam của Ngô Đức Thọ, NXB Văn học 1993; Trạng nguyên, tiến sĩ Việt Nam của Bùi Hạnh Cẩn, NXB Văn hóa, Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú toàn tập đều ghi như vậy.

Thần tích Lê Triều Hoàng thái hậu tôn thần

Trước khi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, vua Lê Thái Tổ có ba người vợ, nhưng ông không lập người nào làm chính thất (vợ cả). Khi tự xưng là Bình Định Vương, Vua đều phong các bà làm Phi.

Một người là Thần Phi, họ Trịnh, huý là Thị Lữ, người trang Bái Đê (Bái Đua), huyện Lôi Dương, này là làng Bái Đô, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, sinh ra quận vương Tư Tề, bà mất vào năm Thái Hòa (1443 – 1453).

Một người là Huệ Phi, họ Phạm, huý là Thị Nghiêu, theo Lê Thái Tổ từ khi mới khởi nghĩa, bà bị nội quan của nhà Minh là Mã Kỳ bắt ngày 9 tháng 4 năm Mậu Tuất (1418), sau này giặc tha. Khi Lê Thái Tông lên ngôi tôn bà làm Huệ Phi. Bà không giữ trọn khí tiết, bị gian đảng lừa dối, dụ dỗ, mưu chuyện phế lập. Vua Thái Tông thấy bà đã già, theo Thái Tổ từ thuở hàn vi, lại bị bọn giặc tù đày, bèn cho về Lam Kinh coi giữ Vĩnh Lăng. Bà lại càng mang lòng oán vọng, nói năng bất cẩn, lúc bấy giờ có người hầu gái trong cung tố cáo chuyện này, Lê Thái Tông nổi giận giao cho các đình thần luận tội, bà được ban tội chết.

Nguyên khi làm phù đạo Khả Lam, Lê Thái Tổ thường giao du với các anh hùng hào kiệt trong vùng. Thái Tổ thường đi đò qua sông Lương Giang sang Đa Mỹ Phường gặp Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Văn An hoặc gặp Lê Văn Linh ở làng Hải Lịch để luận bàn thế sự, đợi thời cơ dựng cờ khởi nghĩa.

Một lần Lê Lợi sang sông, trời đã nhập nhoạng tối, sương thu như một dải màn trắng mỏng, giăng đầy trên mặt sông bãi mía. Thấp thoáng đầu nương dâu, một người con gái đang thoăn thoắt đôi tay hái những lá dâu xanh cho vào lẳng, lại gần quả là một thục nữ giai nhân, chân quê mà quý phái, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tơ, đáng là bậc phu nhân, hoàng hậu. Thái Tổ hỏi ra mới biết người con gái ấy họ Trần, huý là Ngọc Trần, người làng Quần Lai, xã Đa Mỹ, huyện Lôi Dương, Thái Tổ bèn đặt lễ hỏi làm vợ. Khi Vua tự xưng là Bình Định Vương dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải nhiều gian lao nguy hiểm, đói khát phải ăn củ nâu, măng rừng mà dạ vẫn kiên trinh giữ đạo làm tôi, làm vợ.

Năm ất Tỵ (1425) Lê Thái Tổ vây đánh thành Nghệ An, đánh đến Trào Khẩu ở Hưng Nguyên, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông, trời đang nắng bỗng nổi giông tố mù mịt, sông nổi sóng ba đào, quân lính, ngựa voi không tài nào qua sông được. Lê Lợi cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Sông này thờ thần Giản Hộ, cứ ba năm lại phải hiến một người con gái, mấy năm nay loạn lạc dân tình bỏ đi nơi khác nên việc cúng tế bỏ trễ”. Có người khuyên vua nên bắt một người con gái hiến cho thần, Lê Lợi nói: “Ta dựng cờ khởi nghĩa vì dân, nhiều năm nay bá tính bị giặc Minh giết người, cướp của gây bao tai ương, tang tóc, há ta lại bắt thêm một người dân vô tội nữa chết sao?” nói rồi vua cho hạ trại đóng quân đợi tìm kế khác. Đêm ấy nhà vua trằn trọc không ngủ được, gần sáng thì nằm mộng thấy có một vị thần đến bảo rằng: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân dẹp được giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”. Hôm sau vua gọi các bà vợ đến hỏi: “Có ai chịu hiến mình làm vợ thần Giản Hộ không?. Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con của người làm Thiên Tử”. Các bà phi không ai nói gì, chỉ có bà Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu Minh Công giữ lời hứa thì thiếp nguyện xả thân vì nước, sau này làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Nhà vua khen ngợi và thương cảm nói với các tướng, nhận theo lời hẹn đó, lại sai các quan lấy bút ghi vào vạt áo để sau này khi đã nên nghiệp lớn có quên thì nhắc nhở. Lúc này bà phi mới có con được ba tuổi. Mẹ con khóc lóc từ biệt sinh li hồi lâu, rồi giao con cho người hầu bế ẵm nuôi nấng. Nhà vua làm lễ tế thần và dùng phi làm vật tế. Vua bảo: “Bà ấy đúng là chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái” bèn sai người ở động Nhân Trần là Lê Cố rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Linh cửu về đến làng Thịnh Mỹ, thì trời tối, chưa kịp sang sông phải ngủ lại ở chợ, sáng hôm sau mối đã phủ lên quan tài như một nấm mồ lớn. Lê Cố thấy sự lạ quay vào Nghệ An tâu với vua. Thái Tổ chợt hiểu ra nói: “Đó là thần làm theo lời đã hẹn”. Bèn sai xây điện Hiến nhân để thờ đồng thời dựng Thái miếu, Thần vị ở Lam Kinh để cúng tế.

Sau khi đuổi hết giặc Minh ra khỏi đất nước, Bình Định Vương lên ngôi Hoàng đế, năm Mậu Thân (1428) ban thưởng cho các công thần tướng sĩ. Lúc bấy giờ vua còn cử Quận Vương Tư Tề làm giám quốc. Lê Tư Tề là con trưởng theo vua đánh giặc lớn nhỏ hàng trăm trận, đã từng vào thành Đông Đô làm con tin cho giặc Minh. Lúc bấy giờ Tư Tề giết cung phi, tính khí điên khùng, không hợp ý vua. Thái Tổ ngày đêm suy nghĩ đến trách nhiệm lớn lao nặng nề của người thừa kế mình. Một hôm nhà vua ngủ trưa mộng thấy bà phi Trần Thị Ngọc Trần. Bà than trách rằng: “Nhà vua phụ công của thiếp, từ hồi mới khởi nghĩa đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi mà ơn thành chẳng được hưởng”. Nhà vua tỉnh dậy, lòng bồi hồi xúc cảm, họp ngay quần thần, lập Lê Nguyên Long làm thái tử cho nối ngôi.

Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433) Lê Thái Tổ mất. Tháng 6 năm Giáp Dần (1434) Lê Nguyên Long lên ngôi tức là vua Lê Thái Tông, lấy niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất, truy phong mẹ Trần Thị Ngọc Trần làm Cung từ Quốc Thái mẫu, sai viên Nguyên tri tả hữu ban Lê Vận cùng Trung Thư thị lang Trần Tuấn Dụ đem thần chủ vào thờ phụng ở Thái miếu và ghi danh vào cuốn sách vàng. Ngày 8 tháng 7 vua sai quan hữu bộc xạ Nguyễn Nhữ Lãm về Lam Kinh dựng Thái miếu. Tháng 12 vua sai quan nhập nội thiếu bảo Lê Quốc Bảo, nhập nội hữu bật Lê Văn Linh rước thần chủ của Thái Mẫu vào thờ ở Thái miếu.

Tháng 12 năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) truy tôn làm Cung từ Quang mục quốc Thái Mẫu. Tháng 12 truy tôn làm Hoàng Thái Hậu. Bà mất ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425).

Theo truyền thuyết thì bà Trần Thị Ngọc Trần(1) là con gái Trần Hoành, chị gái Khai quốc Công thần Trần Vận, mộ táng ở chợ Mía, một năm lụt to liên tiếp mấy cái, nước Lương Giang dâng cao chảy xiết, quan tài của bà nổi lên trôi dạt vào làng Hưng Phấn, xoay mấy vòng như người nghỉ chân, rồi trôi đến làng Thượng Vôi, nhân dân trong vùng vớt lên mai táng, lập đền thờ gọi là đền thờ Quốc Mẫu. Thần chủ là: “Hiển nhân Thiết cung từ Hoàng Thái Hậu Trần Thị huý Ngọc Trần, chư phong Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần”.

Đền thờ Quốc mẫu nổi tiếng linh thiêng, nhân dân tôn kính gọi là “bà chúa Thượng Vôi”. Người dân trong vùng thường tìm về đây hương khói, cầu đảo và đều rất linh ứng. Theo “Lê triều Ngọc Phả” giỗ bà vào ngày 24/3. Đến ngày giỗ, dân làng mở hội có trò đánh đu, chọi gà, hát múa thâu đêm. Các giáp bày cỗ chạy ở nội điện và sân điện rồi lần lượt làm lễ tế cáo Quốc mẫu cùng Lê Thái Tổ và các thái hậu, thần phi của vương triều Lê.

Từ kháng chiến chống Pháp do máy bay đánh phá và những sai lầm về chống mê tín dị đoan nên việc thờ cúng bị bỏ, đền thờ bị dỡ. Gần đây đền thờ quốc mẫu đang được dần phục hồi và trong thời gian sắp tới sẽ được khôi phục xứng đáng là di tích thờ tự một vị anh hùng liệt nữ có công đánh giặc giữ nước.

Xem thêm:  Tiểu sử ca sĩ Duy Mạnh - Người nổi tiếng

Ngoài đền thờ Quốc mẫu, xã Xuân Hòa còn có đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Giao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Hiện di tích trở thành phế tích, chỉ còn lại bát hương, ngai thờ(1).

Đình làng Kim Ốc, Phúc Thượng… là nơi hội họp và thờ thần hoàng.

Ngày xưa các làng có nhiều ngày tết, ngày hội. Đấy là dịp bà con xa gần, con cái đi xa về viếng tổ tiên, thăm cha mẹ làng xóm. Trong các lễ tết ấy có tết Nguyên đán, tết Khai hạ (7/1) tết Thượng nguyên (15/1), tết Hàn thực (3/3), Phật đản (15/4), tết Đoan ngọ (5/5), Vu lan (15/7), Trung thu (15/8), Trùng cửu (9/9), Song thập (10/10), tiến táo công (23/12)…

Ngày nay tục lệ lễ tết được giảm đi nhiều, chỉ còn có các lễ tết như sau:

1. Tết Nguyên Đán

Cũng như các vùng khác, Xuân Hòa có tục ăn tết từ xa xưa. Chiều 30 tết các nhà dựng cây nêu để tổ tiên biết đường về ăn tết, dùng vôi vẽ cung tên để ngăn chặn tà ma vào nhà. Nhà dù nghèo cũng phải có cân thịt, nồi bánh chưng, trẻ con được manh áo mới. Đêm 30 mọi nhà đều cúng giao thừa, đón chờ một năm mới tốt lành. Con cháu cùng chúc tết ông bà, người lớn “lì xì” mấy đồng tiền lẻ mừng tuổi các em. Rồi đi chúc tết hàng xóm, họ hàng. Theo tập quán, dẫu ai bất cứ ở đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi tết về cũng mong muốn tha thiết được trở về nhà xum họp gia đình trong ba ngày tết. Quả ngày tết là ngày hội đoàn tụ, đoàn viên ấm cúng.

Sau 3 ngày tết lại trở lại với công việc làm ăn bình thường. Tuy vậy không khí tết vẫn còn r­ư rã đến hầu hết tháng giêng. Đây là dịp để các gánh hát của các làng hoạt động, có khi đến hết tháng Giêng vẫn còn đi lưu diễn ở nhiều nơi. Cũng cần nói thêm trước tết Nguyên đán một tuần vào ngày 23 tháng chạp người ta đã làm lễ tiễn ông Công, Chiều 30 tết đi chạp mã, đón ông bà tổ tiên về ăn tết.

2. Tết Khai hạ

Còn gọi là ăn tết lại, diễn ra trong một ngày 7 tháng Giêng. Tết khai hạ có nghĩa là tết mở đầu một ngày vui để chào đón một ngày xuân mới. Theo cách bói toán của người xưa thì tuy tháng đầu năm, ngày mồng Một ứng vào , mồng hai: chó, mồng ba:lợn, mồng bốn: , mồng năm: trâu, mồng sáu: ngựa, mồng bảy: người, mồng tám: lúa. Trong tám ngày đầu năm, hễ ngày nào khô ráo, sáng sủa thì giống gì thuộc về ngày ấy, cả năm được tốt. Cho nên, đến ngày mồng bảy trời nắng ráo thì người ta tin rằng cả năm người được khoẻ mạnh, gặp nhiều may mắn, tốt lành. Mồng bảy hạ cây nêu. Người ta mở ngày Tết khai hạ mong mỏi một năm dài tốt lành, vui vẻ.

3. Tết Rằm tháng Giêng (tết thượng nguyên)

“Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Răm tháng Giêng”. Đó là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Đó là tết Rằm tháng Giêng hay tết Thượng nguyên. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa vì ngày Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ Adida. Thiện nam, tín nữ đi lễ rất đông, tết thượng nguyên ngày trước ít nhà tổ chức. Mấy năm gần đây đời sống khá hơn, thì dịp này có nhiều người đi chùa, trên bàn thờ tổ tiên bày hoa quả, thắp hương.

4. Tết Đoan ngọ (Mồng Năm tháng Năm)

Còn gọi là tết Đoan Dương, vậy nên mới có câu thơ:

Chưa ăn bánh nếp Đoan Dương

Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra

Theo âm lịch thì ngày 5 tháng 5 là hết Xuân sang Hạ. Đây là khí tiết chuyển mùa nên hay có bệnh thời khí, nhưng cũng là ngày giỗ của Khuất Nguyên – một thi sĩ Trung Hoa cổ đại. Là một trung thần, Khuất Nguyên khi còn làm quan đã can ngăn Hoài Vương. Hoài Vương không nghe, ông phẫn chí gieo mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn. Dân Trung Quốc làm giỗ ông vào ngày 5 tháng 5 và cúng lễ bằng cách ném các loại bánh bao, bánh ngọt, cuốn chỉ ngũ sắc ở ngoài (có ý làm cá khỏi đớp mất) xuống sông.

Ta không mấy ai biết ông Khuất Nguyên và tích đó nên cứ gọi tết 5 tháng 5 là tết “Giết sâu bọ”, vì như trên đã nói, tiết này là tiết chuyển mùa nên sâu bọ bệnh tật hay hoành hành.

Vào dịp tết Đoan ngọ, nhân dân không biết Khuất Nguyên là ai mà coi đây là lễ giữa năm, phòng bệnh, trừ tà. Vào ngày này các gia đình lấy thứ lá ngãi cứu, ích mẫu, lá vối, cối xay… đem ủ rồi phơi khô làm lá chè uống quanh năm vừa để phòng bệnh, chữa bệnh.

5. Tết Trung nguyên

Tết Rằm tháng Bảy có tên khác là tết Trung Nguyên, người xưa coi là ngày “xá tội vong nhân”. Do đó, vào ngày ấy, tại các chùa thờ Phật thường làm chay chân tế và cầu kinh Vu lan. Còn các nhà thì bày cỗ cúng gia tiên, đốt vàng mã và đồ dùng bằng hàng mã để người dưới “âm ty” dùng. Ngày nay đến Rằm tháng Bảy các gia đình vẫn làm mâm cơm cúng tổ tiên, mấy năm trước không còn đốt vàng mã thì nay lại phục hồi.

6. Tết Trung thu (Rằm tháng Tám)

Tết của trẻ con nhưng người lớn cũng gặp nhau để trà tửu, ngâm thơ, ngắm trăng gọi là “thưởng nguyệt”. Cỗ thưởng nguyệt (trông trăng) có chiếc bánh nướng hình trăng tròn, bưởi, hồng và nhiều thứ hoa quả khác (có khi được gọt tỉa thành hoa và các hình con giống rất đẹp). Đáng chú ý là các loại đồ chơi Trung thu của các em như tiến sĩ giấy, voi, đèn kéo quân, ngựa hồng, các loại mặt nạ, đèn ông sao… và tối đến, trước khi “phá cỗ” là trò chơi múa rồng, múa sư tử, xem đèn kéo quân. Dịp này Đoàn thanh niên xã tổ chức cho các em cắm trại. Vì dịp này thường là dịp 19/8 và 02/9 nên tổ chức khá rầm rộ.

Tính ra mỗi năm ngày trước trong dân gian có 12 ngày lễ, tết. Dân ta quen gọi là tết. Ngoài ra, còn có giỗ ông bà, tổ tiên. Nhà giầu có làm lớn, nhà nghèo làm đơn giản, không ai bỏ giỗ. Đấy là ngày nhớ ơn, trả ơn, đoàn tụ gia đình.

Mỗi làng ngày xưa có một cái giếng, đa số dân ăn nước sông, tắm giặt thì dùng nước ao nên có nhiều bệnh như đau mắt hột, bệnh đường ruột. Ốm thì dùng thuốc nam, thuốc bắc. Cả xã có một vài cụ lương y, đa số việc chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian bằng thảo dược của địa phương. Mỗi cụ lương y thường chữa được nhiều bệnh, có người lại có một chuyên khoa sâu như đau mắt, bó xương, cảm hàn… Thầy thuốc kê đơn, người nhà bệnh nhân phải lên phố phủ đề mua thuốc. Bệnh nặng khó qua thi cầu đảo thần linh, uống tàn hương nước lả. Sau này (năm 1936) phủ Thọ Xuân có nhà thương nhưng là nơi giành cho người giầu có, dân nghèo ốm đau lay lất nên tuổi thọ trung bình rất thấp. Tình trạng hữu sinh vô dưỡng rất phổ biến. Việc đỡ đẻ khoán cho các bà mụ với những dụng cụ sơ sài như lách nứa, chỉ buộc..

Sau năm 1945 xã có các vệ sinh viên hướng dẫn dân ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh, đào giếng, làm hố xí hợp vệ sinh. Vào những năm 60 của thế kỷ trước xã có trạm xá, có y tá, sau đó có y sĩ, bác sĩ. Ngày nay việc khám và chữa bệnh của người dân đều được các bác sĩ, y sĩ của trạm xá xã đảm nhiệm. Chỉ những ca bệnh nặng mới chuyển lên tuyến trên.

Người Xuân Hòa xưa nay đều cần cù, giản dị, là đất của trai thanh gái lịch, ham học ham làm. Ngày xưa cả làng có mươi gia đình giàu có, khá giả có chiếc xe đạp, có nhà ngói ba gian hai chái, sân gạch, còn hầu hết là nhà tranh, vách đất.

Tình làng nghĩa xóm rất sâu nặng. Hể nhà nào có công việc là bà con kéo đến giúp đỡ. Như làm nhà ngói thì rủ nhau gánh đất đắp nền, gánh cát xây nhà, không lấy công.

Nếu làm nhà tranh, thì cho nhau vài sào rạ, tối sáng trăng rủ nhau đến đánh tranh giúp.

Khi lợp nhà chỉ cần gọi một tiếng là nam giới trong xóm kéo đến. Người già thì đưa tranh, trai trẻ lên mái lợp. Khi lợp nhà có tiếng hô cát ngõ, cát húc nhé. Nghe rất vui tai. Lợp xong, nhà có thì chiêu đãi xôi chấm mật, nếu không thì chỉ chén chè xanh là xong, không ai phàn nàn gì.

Nhân dân ăn mặc rất giản dị, con trai thì quần nâu, áo vải, con gái mặc váy nhuộm nâu trát bùn cho đen. Con nhà giàu mặc váy đậu, váy lụa. Nam giới đi việc làng phải đội khăn.

Phong tục các làng giản dị, các lệ tục như cưới hỏi, giỗ tết, hiếu hỷ vẫn theo quy định từ xưa nhưng không gây phiền toái, tốn kém.

Từ xưa có tập quán hỏi vợ cho con ngay từ khi mới đẻ. Hai nhà “môn đăng, hộ đối”. Khi vợ có mang đã hẹn hò thông gia. Khi đã thành thông gia, bên nhà trai phải đi tết một năm 3 kỳ: Tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, tết 10/10 (tết Cơm mới). Cứ thế cho đến năm 18 – 20 tuổi, nhà trai phải mượn người có uy tín trong làng hoặc thân tình với nhà gái đến xin cưới. Có nhà phải 5, 3 lần mới được.

Khi nhà trai đến đón dâu, trẻ nhỏ ở làng xóm nhà cô dâu, đem sào, gậy ra chắn ngang đường gọi là rấp rào. Họ nhà trai phải cử người thưởng tiền mới được rút sào cho đi. Cứ thế hết chặng này đến chặng khác. Khi rước dâu có một ông tuổi trung niên vác con dao cò, lưỡi bôi vôi trắng xoá đi trước. Cô dâu về đến nhà chồng, nhà chồng phải bầy cỗ cho mọi người đi rước dâu ăn. Mỗi mâm cỗ 4 người, cỗ buộc phải có 1 đĩa xôi, 1 đĩa giò mỡ, 1 đĩa giò lụa, 1 đĩa bánh rán.

Về việc hiếu mỗi ngõ phải sắm một bộ đòn khiêng và xập kiệu để khiêng những ông bà già cả qua đời. Khi nhà có người mất thường để lại một đêm (đã khâm liệm) để con cháu trống kèn thờ đêm.

Sáng hôm sau mới mai táng. Đến 3 ngày, tang chủ phải làm cỗ mời bà con đến phúng viếng, nếu quên ai sẽ bị dân làng quở trách. Đấy cũng là một hủ tục nặng nề, không hợp vệ sinh.

Con trai đến 18 tuổi phải xin vọng làng, gia đình phải sắm trầu rượu ra đình xin cho vọng làng. Ngày được vọng làng là ngày 18 tuổi (dù hơn hay kém tuổi ấy cũng được coi là 18). Được vọng làng phải chịu gánh vác công việc làng (nhưng nếu có bằng tuyển sinh, bằng tiểu học thì được miễn), phải đóng thuế thân.

Đủ 18 tuổi con trai được sinh hoạt theo làng văn, làng võ.

– Làng Văn gồm người có chữ nghĩa.

– Làng Võ gồm những người đã đi lính, có vợ

Các làng có văn chỉ, võ chỉ. Văn chỉ là nơi sinh hoạt của làng văn, thờ Khổng Tử và các nhà khoa bảng của làng. Võ chỉ thờ các vị võ quan của làng đã có công đánh giặc giữ nước. Văn chỉ và võ chỉ có ruộng để thờ tự, cúng lễ.

Tính từ khi lập làng xã, các dòng họ có người đầu tiên khai hoang lập ấp đến nay đã hơn 800 năm. Bao thế hệ cha trước con sau nối tiếp nhau xây dựng một vùng đất hoang vu thành một vùng đất trù mật, dân cư đông đúc, quê hương của nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, của những chiến sĩ cộng sản. Hàng nghìn người Xuân Hòa ra đi lập nghiệp, lập thân trên mọi miền đất nước vẫn nghĩ về quê hương, dòng họ với niềm kiêu hãnh về quê cha đất tổ. Những tên làng Thượng Vôi, Trung Thành, Hạ Long, Tĩnh Thôn, Phúc Thượng, Kim Phúc, Khải Đông, Kim Ốc đã đi vào lịch sử.

Tên gọi có thay đổi, nhưng tiếng nói, nết người, phong tục tập quán vẫn giữ được những nét cần cù giản dị

Trên con đường phát triển của đất nước, người Xuân Hòa đã cùng cả dân tộc giữ gìn nền độc lập, tự cường và đang tiếp bước những bước đi vững chắc./.

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.