Vừ A Dính – Người anh hùng tuổi nhỏ chí lớn – Ngược dòng lịch sử

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về Ve anh hung liet sy vu a dinh chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Vừ A Dính sinh ngày 12 tháng 9 năm 1934, người dân tộc H’Mông, quê ở Pú Nhung, vùng cao huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Vừ A Dính là con thứ ba của ông Vừ Chống Lầu (sinh năm 1899) và bà Sùng Thị Plây (sinh năm 1901). Bố Vừ A Dính là cán bộ Việt Minh của địa phương đã bị thực dân Pháp bắt và giam cầm tại nhà tù Sơn La. Ông đã bị thực dân Pháp thủ tiêu tại nhà tù Sơn La năm 1949. Ông Vừ Chống Lầu được Đảng và Nhà nước truy tặng là liệt sĩ ngày 5-9-1964. Mẹ A Dính là bà Sùng Thị Plây – một cơ sở kháng chiến tiêu biểu của quê hương Tuần Giáo. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cậu bé thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn – Vừ A Dính đã sớm giác ngộ cách mạng và căm thù giặc Pháp xâm lược từ lúc nhỏ.

Trước cảnh lính Tây thường xuyên càn quét bản làng, cướp bóc mọi thứ, giết hại dân làng, lòng căm thù giặc của cậu bé A Dính ngày một tăng lên. Dù mới mười ba tuổi, A Dính đã xin tham gia vào đội canh gác, nếu thấy Tây đến thì báo để dân làng chạy vào rừng sâu.

Một lần canh gác. Thấy Tây đến, A Dính chạy nhanh về xóm báo hiệu, mọi người nhanh chóng chạy vào rừng sâu. Còn A Dính bị Tây bắt lại. Chúng nhốt A Dính vào nhà giam ở Bản Chăn. Đêm đó, A Dính và ông già Vừ Sa ở làng Phiêng Pi trốn khỏi nhà giam. A Dính được ông Vừ Sa giữ lại 2 ngày ở nhà ông. Hai ngày hiếm hoi ấy đã làm A Dính kết thân với hai cháu của ông Vừ Sa. A Dính kể cho bạn nghe về căn cứ, về cách mạng, về các đồng chí đi đánh thằng Tây và về công việc của A Dính khi ở căn cứ. Ấy thế mà lòng căm thù thằng Tây, tình yêu nước và tinh thần gan dạ, kiên cường, bất khuất của A Dính đã làm hai người cháu của ông Vừ Sa xin tình nguyện tham gia cách mạng và sau này giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng và trong bản làng.

Ngay khi rời khỏi nhà của già Vừ Sa, A Dính đi vào căn cứ, liên hệ với cán bộ. A Dính xin cán bộ đi võ trang với các đồng chí. Nhưng các anh nói rằng đi võ trang vất vả, khổ cực lắm, làm sao một cậu bé mới 13 tuổi có thể theo được. A Dính vẫn kiên quyết xin cán bộ cho A Dính đi võ trang với một câu nói kiên quyết: “Đội võ trang đi đánh Tây. Em cũng muốn đi đánh Tây”. Một cậu bé 13 tuổi mà có thể suy nghĩ một cách sâu sắc, gan dạ như thế thì các anh cũng không thể từ chối được.

Thế là A Dính được đi võ trang như các anh, A Dính mừng lắm. A Dính được giao nhiệm vụ liên lạc, giao thông, và rất nhiều việc khác. Khi thì băng rừng, trèo đèo, lội suối, A Dính đều làm rất tốt công việc của mình và luôn về trước thời gian dự định. Dấu chân của A Dính và đội vũ trang in khắp núi rừng và các thôn bản trong huyện. Đội vũ trang thoắt ẩn, thoắt hiện tại nhiều bản làng để vận động, giúp đỡ bà con các dân tộc ổn định cuộc sống, xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, bí mật tổ chức kháng chiến, đánh Pháp xâm lược.

Xem thêm:  Dàn ý vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng

Cuộc sống kháng chiến gian khổ nhưng Vừ A Dính rất lạc quan yêu đời. A Dính rất ham học và học khá. Lúc nào trong ngực áo của Dính cũng nhét cuốn sách để tranh thủ học. A Dính đã học đọc và viết chữ thông thạo. Khuôn mặt tròn, đôi mắt tinh nhanh, chân tay thoăn thoắt là hình ảnh chiến sĩ nhỏ Vừ A Dính hằn sâu trong mắt các chiến sĩ của đội vũ trang Tuần Giáo.

Địch tăng cường lùng sục tìm diệt đội vũ trang nên đơn vị luôn phải di chuyển. Để giữ bí mật trước kẻ thù gian ác, nơi đóng quân của đơn vị thường ở trên các triền núi cao, xa nguồn nước. Vì thế mà cuộc sống vô cùng gian khổ. Hàng tháng trời không một hạt muối, không một hạt gạo. Nhiệm vụ giao thông liên lạc của A Dính ngày càng khó khăn hơn. Vậy mà, lần nào đi liên lạc A Dính cũng mưu trí, bảo đảm an toàn và về trước thời gian quy định. Các anh trong đơn vị hỏi tại sao A Dính luồn rừng và đi giỏi thế, A Dính cười hồn nhiên bảo: “Từ nhỏ em trèo núi, đi nhanh đã quen chân rồi”. A Dính còn nhiều lần được đơn vị giao nhiệm vụ bí mật xuống bản móc nối liên lạc với cơ sở để nhận muối, mực viết, kim chỉ, giấy viết, vải mặc và thuốc men mà đồng bào xuống chợ mua hộ. Mẹ của Dính cũng là một cơ sở bí mật tin cậy, nhiều lần tiếp tế cho đội vũ trang như thế.

Trong một lần về nhà lấy đồ cán bộ nhờ mẹ thu gom, bị bọn lính Tây tuần tra ghé nhà và phát hiện điều khả nghi, chúng bắt cả nhà A Dính nhốt vào nhà giam (may thay A Dính và Vừ Gà Lử người anh trai của A Dính chạy thoát). Được tin mẹ và cả nhà bị địch bắt giam tại đồn Bản Chăn, A Dính buồn và thương mẹ lắm. Biết tin đơn vị chuẩn bị đánh đồn Bản Chăn, A Dính đã đề nghị được xuống núi điều tra nắm tình hình địch và nhân tiện tìm hiểu tin tức về mẹ và cả nhà. Đã từng bị bắt giam ở đồn Bản Chăn nên đường đi, lối lại A Dính khá thuộc. Vì thế, anh Kiên chỉ huy đơn vị đã đồng ý để A Dính xuống núi điều tra tình hình.

Đã hai ngày ăn ngủ ở Bản Chăn để dò la tin tức của gia đình nhưng vẫn chưa có tin gì, A Dính lo lắm. Vừa thấy lính dẫn một đoàn tù ra suối lấy nước, nhìn thấy ông nội, mẹ và các anh em của mình, A Dính mừng lắm nhưng không thể gọi mọi người được. Ngày hôm sau, A Dính nấp sau tảng đá dưới suối, mang theo ống bương đựng nước, khi thấy đoàn tù ra lấy nước, A Dính đi theo đoàn tù vào nhà giam. Thế là đêm đó A Dính được nằm cùng gia đình mình trong nhà lao. A Dính kể biết bao chuyện cho mọi người nghe về cán bộ, về bản làng. Hôm sau mọi người lại ra suối lấy nước, A Dính cất ống bương sau tảng đá, tạm biệt gia đình và chạy nhanh vào rừng. A Dính kể cho cán bộ nghe chuyện mình đã vào đồn, kể rành rọt những nơi ở, nơi canh gác, chỗ ụ súng, súng gì, chỗ kho đạn, chúng treo ống bơ, gài mìn ở đâu. Nhưng các anh bảo: “Từ nay đừng vào đồn nguy hiểm”.

Xem thêm:  Tác hại của ma tuý (hoặc của rượu, thuốc lá…) đối với đời sống của

Thi thoảng, A Dính vẫn xuống Bản Chăn lấy tin, nhưng A Dính không vào đồn nữa. A Dính chỉ liên lạc với mẹ thôi. Dưới tảng đá giữa suối, mọi người trong làng để lại những yếu phẩm lấy được, chẳng khác khi còn ở trong làng. A Dính nhặt mang lên cho các anh, lúc gói muối, một tập giấy, cái bút chì, thuốc lào, cục phẩm tím, khi còn cả mấy chục viên đạn nữa.

Khi nắm được tin giặc Pháp chuẩn bị đưa quân lên đánh khu du kích ở Pú Nhung, mẹ A Dính đã trốn trại ra bìa rừng gặp Vừ A Dính cấp báo tin này. Bà còn chuyển cho Vừ A Dính hơn 100 viên đạn lấy trộm được của giặc. Trên đường trở về trại giam, một tốp lính đi tuần phát hiện ra bà. Tuy khám người bà không thu được gì nhưng chúng nghi bà liên lạc với Việt Minh nên đã khám nơi giam cầm bà. Địch đã phát hiện ra nhiều đạn mà bà và các con cùng những người bị giam giữ trong trại đã lấy trộm của lính Pháp trong khi đi làm phu dịch. Giặc pháp đã lôi cả 22 người trong trại giam ra bắn chết. Ông nội, mẹ, chị gái và các em – 9 người trong gia đình Vừ A Dính đã bị bắn chết. Mẹ A Dính – Bà Sùng Thị Plây được Đảng và Nhà nước truy tặng Liệt sĩ ngày 14-10-1964. Mẹ của Vừ A Dính đã được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên (năm 1994) vì có chồng, con và bản thân là liệt sĩ.

Trung tuần tháng 6 năm 1949, giặc Pháp huy động tổng lực quân lính từ các đồn trong khu vực để vây ráp hòng tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo của Vừ A Dính. Gần một nghìn quân đổ về khu căn cứ Pú Nhung từ nhiều ngả đường. Một tốp giặc của đồn Bản Chăn dưới sự chỉ huy của một đội Tây đã bí mật phục kích ngay tại đầu một bản bỏ hoang gần Pú Nhung.

Hôm ấy trời mù sương, chỉ cách nhau vài bước chân mà không nhìn thấy nhau. A Dính vừa bí mật gặp mẹ trở về. Sau lưng của A Dính còn đeo trong bọc cả trăm viên đạn mà mẹ mới trao cho. Người Dính ướt đẫm sương. Vì trời giăng sương mù mịt nên rất khó quan sát. A Dính sa ngay vào vòng vây của địch, nhanh như một con hươu sa lưới. Thằng Tây hỏi: “Các “Ông tỉnh ”ở đâu”?. A Dính thảm nhiên nói: “Không biết”. Đội Tây gầm lên: “Bao đạn này…. Bao đạn … đạn này, mày đem về cho các “ông tỉnh” bắn chúng tao, mà mày lại nói là không biết à! Nói đi, không thì tao cho một phát vỡ đầu”. A Dính vẫn nói: “Không biết”.

Đội Tây quát lính xúm lại đánh A Dính. Chúng đánh A Dính đến tận trưa, mặt mũi A Dính sưng húp, đầu chảy nhiều máu. Đánh mãi, A Dính cũng chỉ nói “Không biết’’. Thằng Tây tức giận, lấy máng súng đánh gãy ống chân em. A Dính cắn răng, nước mắt giàn giụa. Nhưng mặc cho bọn chúng quát, A Dính cũng không nói gì nữa.

Thằng Tây đã tra tấn, hành hạ A Dính suốt hai ngày, hai đêm bỏ mặc ngoài trời sương đêm lạnh giá. Thế nhưng A Dính vẫn kiên trì sống, một lòng một dạ vì cách mạng mà không chịu khai ra lấy nửa lời. Đến ngày thứ 3, thằng Tây vẫn dụ ngon, dụ ngọt mong A Dính khai ra nơi ở của các ông Tỉnh. Môi A Dính mấp máy, ra hiệu mang cáng đến em dẫn đến nơi gặp cán bộ. Thằng Tây vui mừng cho lính mang thức ăn, nước uống và làm cáng khiêng A Dính đi vào rừng. A Dính dắt chúng băng qua rất nhiều con đường, sâu trong rừng hoang vắng, cỏ cây rậm rạp. Băng hết cánh rừng này, sang cánh rừng khác. Quân lính, thằng Tây đã mệt mỏi rã rời. Đến nơi có lán của cán bộ. Nhưng lán đã bị bỏ đi từ lâu, mái đã sập, còn mấy chiếc cọc bên vách đá. Những thằng Tây xúm lại, đứa quay vào xem xét, tìm kiếm, đứa nhào ra, sợ sệt bị bắn lén. Rồi chúng hỏi A Dính: “Ông tỉnh” ở đây à? A Dính gật đầu. Chúng hỏi tiếp: “Ông tỉnh” đâu? A Dính lắc, lại chỉ đi sang cánh rừng khác. Đoàn binh lính luồn rừng, luồn núi đi đến chiều tối. Thằng Tây biết bị mắc lừa, chúng quát lính hất cáng xuống, lôi A Dính ra hỏi. Nhưng A Dính thoi thóp thở, hỏi thế nào cũng không nói. Thằng Tây tức đỏ mắt, lôi A Dính trói hai tay treo lơ lửng lên cành đào và điên cuồng bắn cả băng đạn vào người A Dính. A Dính chết trên cành đào ở Khe Trúc. Nhiều người lính theo Tây lúc đó không dám nhìn, phần vì hổ thẹn với A Dính, với đất nước, phần thì sợ hãi thằng Tây tàn độc. Đêm ấy, hơn mười người lính ngụy đã bỏ trốn. Nhiều lính trốn quá, cuộc càn quét lên Pú Nhung phải bỏ dở ngay hôm ấy.

Xem thêm:  Viết một bức thư ngắn cho một bạn nước ngoài để làm ... - Hoatieu.vn

Chiến dịch Thu Đông năm 1952, ở Tây Bắc đã được giải phóng. Người ở rừng dọn về làng. Có người qua rừng đào ở Khe Trúc gần Bản Chăn thấy một cái xác người treo trên cành đào. Những người đi rừng ấy bỗng nghĩ ra, chạy về báo với Vừ A Lử – người anh trai duy nhất còn sống của A Dính đến mang xác em về yên nghỉ tại bản làng Pú Nhung.

Năm 1951, tri ân đến người thiếu niên kiên cường, bất khuất Vừ A Dính, Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam tuyên dương Anh trong thiếu nhi toàn quốc. Năm 1952, Chính phủ truy tặng Huân Chương Quân công hạng ba cho thiếu niên anh hùng Vừ A Dính. Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lịch sử Đội Thanh niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã ghi nhận Vừ A Dính là một trong những thiếu nhi anh hùng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng đất nước.

Trong cuộc đời ngắn ngủi mười lăm năm tuổi đời của thiếu niên Vừ A Dính đã để lại biết bao bài học to lớn về tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần gan dạ, kiên cường, bất khuất, không đầu hàng trước đòn roi, súng đạn của kẻ thù, một lòng đi theo cách mạng, một lòng cống hiến cho Tổ Quốc thân yêu. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày anh hùng thiếu niên Vừ A Dính hy sinh (tháng 6 năm 1949 – tháng 6 năm 2019), bài viết xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc đời và những cống hiến tiêu biểu của Anh như một nén tâm nhang, lời tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ gửi đến Anh – Người đã cống hiến tuổi trẻ, xương máu cho chúng em cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.

Đào Thanh

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.