Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về The tran bien phong toan dan la gi chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (tháng 01-2017)

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đối với Bộ đội Biên phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trong đó xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong các mặt công tác biên phòng.

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của cấp mình về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng đã phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện toàn diện các nội dung công tác biên phòng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đến nay, thế trận “biên giới lòng dân”, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện; việc bố trí, sử dụng vũ khí, phương tiện và hậu cần, kỹ thuật được xây dựng, đáp ứng yêu cầu đề ra. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống mới, ấm no, hạnh phúc và tham gia công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Cục Bộ đội Biên phòng Lào hội đàm về phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư trái phép

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có yêu cầu ngày càng cao. Biên giới, khu vực biên giới không chỉ là “phên giậu” mà còn là cửa ngõ, cơ hội để giao lưu, hội nhập. Bên cạnh thuận lợi là chủ yếu, việc quản lý, bảo vệ biên giới cũng có không ít khó khăn, thách thức. Hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, lợi dụng những vấn đề về dân tộc, dân chủ, tôn giáo, gieo rắc các luận điểm sai trái, phản động để chống phá. Điều đó đã tác động, chi phối trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân ở khu vực biên giới. Đây là nội dung quan trọng, biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Bộ đội Biên phòng và là nội dung, giải pháp không thể thiếu của quá trình xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục tập trung vào làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ Quân đội về chủ quyền, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, hiệp định về biên giới ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với các chính phủ có liên quan, v.v. Đồng thời, làm rõ tầm quan trọng, nội dung thế trận biên phòng toàn dân; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ của các thế lực thù địch. Quá trình thực hiện phải phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông, hệ thống thiết chế văn hóa; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục theo chủ đề, chuyên đề, v.v. Hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với nội dung, đặc điểm, nhận thức, phong tục, tập quán của từng đối tượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, v.v. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên, trước hết cán bộ chủ trì, chủ chốt các đơn vị biên phòng và nhân dân thấy rõ: Thế trận biên phòng toàn dân là hình thái tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện; trong đó, Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, các lực lượng khác và nhân dân trên từng khu vực biên giới đất liền, biển, đảo theo một ý định thống nhất, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cả thời bình và thời chiến.

Xem thêm:  Khái niệm văn nghị luận là gì và cách làm bài đạt điểm cao

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tả Gia Khẩu (Lào Cai) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới

Thứ hai, chủ động tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện. Hiện nay, trong số hơn 5.000 thôn (bản, buôn, phum, sóc – gọi chung là thôn) khu vực biên giới, có trên 270 thôn không có đảng viên, gần 1.000 thôn chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng các cấp đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, trọng tâm là đội ngũ người có uy tín, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, cán bộ thôn và cán bộ đoàn thể chính tri – xã hội; phát triển đảng viên mới cần được chú trọng. Phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua1, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã rà soát, kiện toàn, tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tăng cường cho các xã biên giới; phối hợp với cấp ủy, chính quyền để phát huy vai trò của họ trong tham mưu, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tiếp tục tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Đề án “Liên kết với chính quyền địa phương mở lớp học tiếng dân tộc cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội Biên phòng công tác ở vùng dân tộc thiểu số khu vực biên giới” và Đề án “Tăng cường sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ đội Biên phòng xuống các xã trọng điểm ở khu vực biên giới” khi được Bộ Quốc phòng và Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, mặc dù đất nước đã vượt qua đói nghèo, vươn lên thành nước có mức thu nhập trung bình, nhưng đời sống nhân dân ở hơn 1.000 xã khu vực biên giới phần lớn còn khó khăn, trong đó có trên 400 xã đặc biệt khó khăn. Các lĩnh vực về giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá,… còn yếu kém; trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu; tình trạng di dịch cư tự do, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất cấm,… chưa được ngăn chặn triệt để, v.v. Vì thế, phát triển kinh tế – xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới là giải pháp cơ bản, lâu dài, điều kiện tiên quyết để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Để thực hiện tốt điều này, Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương những biện pháp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh; đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Đồng thời, tích cực tham mưu, giúp chính quyền địa phương và nhân dân xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, trực tiếp giúp nhân dân thực hiện những mô hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thời gian qua, các đồn Biên phòng đã thực hiện tốt phong trào “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống cho đồng bào nghèo nơi biên giới”, xây dựng “Nhà Tình nghĩa”, mở lớp học xóa mù chữ,… thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, giúp dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nâng cao dân trí, giữ vững ổn định chính trị – xã hội. Các đồn Biên phòng đã tổ chức thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế – xã hội do Bộ đội Biên phòng xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo2. Đồng thời, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; phối hợp với lực lượng y tế địa phương phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng và các hoạt động y tế tại khu vực biên giới; mở các lớp học tình thương, phổ cập giáo dục tiểu học; thực hiện có hiệu quả Chương trình “Cứng hóa nền nhà”, “Nâng bước em tới trường”, v.v. Đó là cách làm thiết thực, hiệu quả, cần được nhân rộng và phát huy. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân thực hiện định canh, định cư, theo phương châm: “Giãn dân để giữ đất”, “thu hút dân ra định cư ở khu vực biên giới”. Đồng thời, tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng, nhất là đường giao thông miền núi, đường tuần tra biên giới, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và các dịch vụ thương mại, bảo đảm nhân dân có điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài, yên tâm bám làng, bám bản, không còn tình trạng “đói ăn, đói chữ, đói thuốc, đói thông tin”,… giảm được nghèo, giải quyết được những khó khăn về cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị.

Xem thêm:  Cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất lắp ráp ô tô

Thứ tư, xây dựng, tổ chức bố trí lực lượng vũ trang và hệ thống công trình kỹ thuật,… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong mọi tình huống. Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới theo phương châm: “Mỗi người dân biên giới là một người lính biên thùy”. Từ đó, mỗi địa phương ở khu vực biên giới xác định rõ mục tiêu xây dựng thế trận biên phòng cụ thể, trước mắt và lâu dài, phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn, khả năng của địa phương; trong đó, xây dựng “thế trận lòng dân”, “biên giới lòng dân” là vấn đề có tính quyết định. Tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới phải đáp ứng yêu cầu hàng đầu là xây dựng các lực lượng: Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ,… vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo về kỹ thuật, chiến thuật,… làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, tấn công tội phạm, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tập trung xây dựng các lực lượng: Hải quan, kiểm dịch, văn hóa, y tế,… vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc bố trí, sử dụng các lực lượng trong thế trận biên phòng toàn dân phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, tạo thế trận biên phòng toàn dân liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng trong thời bình và tác chiến phòng thủ khi có chiến tranh. Đồng thời, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật cho các lực lượng, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ biên giới trong mọi tình huống.

Xem thêm:  Cách khắc phục triệt để wifi đã kết nối nhưng không có Internet

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân là nghệ thuật tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng và là một bộ phận trong nghệ thuật quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, trong đó lực lượng Bộ đội Biên phòng là nòng cốt để tiến hành các hoạt động tác chiến bảo vệ biên giới, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận biên phòng toàn dân là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ huy, điều hành tập trung thống nhất của chính quyền trong phạm vi toàn quốc, trên từng tuyến biên giới, vùng biển là nguyên tắc đảm bảo cho thế trận biên phòng toàn dân thực hiện đúng nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Thế trận biên phòng toàn dân là một bộ phận cấu thành nền biên phòng toàn dân, có đặc điểm nổi bật là tổ chức, bố trí lực lượng toàn diện, tổng hợp các tiềm lực của đất nước ở khu vực biên giới, vùng biển theo ý định chiến lược để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, lấy chiến lược quốc phòng, an ninh làm nòng cốt. Thực hiện xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh sẽ thiết thực góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trung tướng HOÀNG XUÂN CHIẾN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ________________

1 – Bộ đội Biên phòng đang tăng cường 308 cán bộ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Trong đó, có 259 đồng chí giữ chức danh trong cấp ủy, chính quyền xã (có 08 đồng chí là huyện ủy viên, 15 đồng chí là bí thư đảng ủy xã, 218 đồng chí là phó bí thư đảng ủy xã, 04 đồng chí là chủ tịch hội đồng nhân dân xã, 01 đồng chí là phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã; 05 đồng chí là chủ tịch ủy ban nhân dân xã, 03 đồng chí là phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Đồng thời, giới thiệu 1.208 đảng viên ở các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản, v.v.

2 – Cấp Bộ Tư lệnh tiếp tục triển khai 03 mô hình (tại Sơn La, Kon Tum, Tây Ninh); mỗi đồn Biên phòng đang triển khai ít nhất 01 mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội.

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.