Phân tích nét tương đồng trong thơ Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về Phan tich nhung diem tuong dong trong tho nguyen khuyen va tu xuong chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Phân tích nét tương đồng trong thơ Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương – Bài làm 1

Trần Tế Xương ( hay Tú Xương) và Nguyễn Khuyến là hai nhà thơ thuộc hai thời đại khác nhau, có những sự khác nhau rất nhiều về cuộc sống, công danh, Nguyễn Khyến là một đại quan trong triều đình nhà Nguyễn, mà Tú Xương thì lại là một người vô cùng lận đận về đường công danh. Tuy nhiên, họ là những nhà thơ có cùng cách nhìn, cùng tư tưởng, cùng sự đánh giá về cuộc sống và xã hội. Họ đều sử dụng những lời thơ sắc bén của mình để đả kích bản chất tàn ác, nham hiểm của thực dân, cũng như sự suy yếu, bất lực, nhu nhược của triều đại phong kiến đương thời, cũng như bày tỏ sự đau xót trước sự suy tàn của Nho học. Tư tưởng của họ, tấm lòng của họ, sẽ còn sống mãi, như những vần thơ của họ trong lòng người đọc hôm nay và mãi về sau.

van mau phan tich net tuong dong trong tho nguyen khuyen va tran te xuong Phân tích nét tương đồng trong thơ Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương

Điểm chung đầu tiên của họ là sự đau xót trước cảnh đất nước suy tàn, thực dân tàn ác khiến nhân dân lầm than, văn hóa phương Tây khiến cho nền Nho học nước nhà ngày càng lụi tàn.

Nguyễn Khuyến đã làm quan hơn mười năm trong triều đình nhà Nguyễn, ông hiểu rất rõ tình hình triều chính cũng như tình hình đất nước khi đó. Chính quyền nhà Nguyễn khi ấy chỉ còn là một chính quyền tay sai, bù nhìn, chịu sự điều khiển của thực dân Pháp, tiếp tay giúp cho chúng đàn áp nhân dân, tàn phá đất nước mình. Nho học vốn thâm sâu. Nguyễn Khuyến mượn lời của người hát chèo để nói lên thực trạng khiến ông đau xót:

“Vua chèo còn chẳng ra gì,

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”

( Lời vợ người hát chèo)

Cùng với thực trạng nước mất nhà tan, đó là sự suy tàn của Nho học, của những giá trị đạo đức. Xã hội bấy giờ thành một đống hổ lốn, không có tôn ti trật tự. Đồng tiền là thứ chi phối con người ta, khiến bao con người bán rẻ lương tâm, cũng như đẩy biết bao con người vào bước đường cùng. Con người ta dường như không quan tâm đến nỗi nhục mất nước, chỉ biết đến cái lợi mà lũ thực dân hứa hẹn mang lại, họ vui vẻ tham gia những trò chơi mà thực dân tổ chức.

“Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,

Tham tiền cột mỡ lắm anh leo

Khen ai khéo vẽ cho vui thế

Vui thế bao nhiêu nhục mấy nhiêu!”

( Hội Tây)

Tiếng cười sâu cay, lời đả kích nhẹ nhàng nhưng thấm thía, với mong muốn thức tỉnh những con người đang đắm chìm trong những thứ hão huyền mà bán rẻ lương tâm, bán rẻ những thứ giá trị đạo đức của toàn xã hội.

Chán ngán trước xã hội đương thời, ông đồ Tam Nguyên Yên Đổ cũng tự lấy bản thân mình ra làm thứ “mua vui”

“Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,

Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.

Cờ đương dở cuộc không còn nước,

Bạc chửa thầu canh đã chạy làng.

Mở miệng nói ra gàn bát sách,

Mềm mồi chén mãi tít cung thang.

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhị

Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!”

(Tự trào)

Một cuộc đời công danh dở dang vì thời cuộc, một đất nước không còn nơi để những người yêu nước như nhà thơ thể hiện, tất cả đã khiến cho ông trở nên chán ngán. Ông nhận ra rằng dù có đỗ bao nhiêu khoa thi, có làm đến bao nhiêu chức quan, có tài giỏi đến mấy, mà tình trạng đất nước như hiện nay, thì cũng chỉ có thể bất lực xuôi tay, có trăn trở suy nghĩ thì cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn.

Còn Tú Xương, sinh ra và lớn lên trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, cũng là cảnh thực dân xâm lược đã khiến cho ông rất bất mãn về những thứ chướng tai gai mắt xung quanh mình.Có những tiếng cười nhẹ nhàng nhưng sâu cay, chỉ như lời kể, nhưng cũng là lời lên án:

“Nhà kia lỗi đạo con khinh bố,

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.”

Mọi thứ đạo lí trong xã hội bị đảo lộn, con cái không còn kính trọng cha mẹ, người vợ không còn là người tam tòng tứ đức như xưa nữa.

Cũng có những tiếng chửi bật ra trong giận dữ:

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu,

Trăm nghìn vạn mớ để vào đậu.

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu.

Lẳng lặng, mà nghe nó chúc sang,

Đứa thời bán tước đứa mua quan,

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa chùi vừa rao cũng đắt hàng.

(Năm mới chúc nhau)

Cũng ở đây, Tú Xương đã nói lên cái thực trạng mua quan bán chức. Cũng phải thôi, trong cái thời đại mà đồng tiền là một thứ vạn năng, thì con người ta ai cũng muốn có một chức quan để vụ lợi cho bản thân mình. Bản thân Tú Xương là một người tài, vậy mà vô cùng lận đận trong việc thi cử, tám lần thi mà chẳng lần nào có thể vẻ vang. Vậy mà có những thứ công tử bột, chẳng biết gì ngoài chơi bời, nhưng nhờ tiền bạc của cha mẹ mà cũng có thể thi đỗ, được làm quan” “Cử nhân cậu ấm Kỉ,

Tú tài con Đô Mĩ

Thi thế mà cũng thi,

Ối khỉ ơi là khỉ!”

Về vấn đề này, Nguyễn Khuyến cũng không thể kìm được tiếng chê bai của mình trong bài thơ Tiến sĩ giầy:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,

Cũng gọi ông nghè có kém ai.

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,

Nét son điểm rõ mặt văn khôi.

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,

Cái giá khoa danh ấy mới hời.

Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,

Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi!”

Chỉ là thứ đồ chơi, thứ vụ lợi cho riêng mình, chứ làm quan đâu có phải vì muốn đem tài ra giúp nước.

Trước tình trạng đất nước rối ren, mọi giá trị trong xã hội bị đảo lộn, hai nhà thơ dùng những bài thơ của mình, để bày tỏ nỗi đau xót trước hoàn cảnh khó khăn của đất nước, đồng thời cũng là tiếng phê phán, châm biếm lũ thực dân và tay sai tàn ác, khiến cho nhân dân ta phải chịu biết bao lầm than, đau khổ. Những bài thơ cũng là tiếng lòng của những nhà Nho yêu nước, rất muốn giúp đất nước, giúp nhân dân nhưng cũng đành bất lực. Tư tưởng lớn của họ, nhân cách cao đẹp của họ sẽ còn được ghi nhớ mãi trong lòng thế hệ chúng ta và cả mai sau.

Xem thêm:  Hơn 30 năm khổ sở vì quy hoạch chồng lấn giữa TP.HCM

Phân tích nét tương đồng trong thơ Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương – Bài làm 2

Cả Nguyễn Khuyến và Tú Xương đều xuất thân từ dòng dõi nho học. Do vậy giữa hai người cũng ít nhiều gặp nhau về một tư tưởng. Tuy không cùng sinh ra trong một thời kì (Nguyễn Khuyến sinh ra và lớn lên khi Pháp chưa xâm lược còn Tú Xương sinh ra khi đất nước đang rơi vào cảnh nguy nan khốn đốn, công cuộc xâm lược và bình định của Pháp đang đi vào hồi cực thịnh). Nhưng nhìn chung hai mảnh đời đều trải qua thời kì đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Xã hội Việt Nam lúc ấy đã chuyển sang một xã hội mới là xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái xã hội ấy gắn với sự thay đổi trong tình hình giai cấp, sinh hoạt, trạng thái tâm lí xã hội. Đây là lúc ông làm thằng, thằng làm ông, cậu bồi, cậu bếp, thầy thông, thầy kí,… rặt một phường bất tài vô liêm sỉ nhưng sẽ làm anh làm chị, nghênh ngang vênh mặt với đời. Và đây cũng là lúc nho phong tàn tạ, sĩ khí tiêu điều, bút lông đến ngày hết được săn đón, mọi giá trị cũ đang sụp đổ trước uy thế của đồng tiền. Cái xã hội đảo điên tan tác ấy đã tác động đến nhiều nhà nho chân chính, có ý thức trước vận mệnh đất nước trong đó có Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Trước hiện thực cuộc sống ấy cả hai ông đều có những nỗi niềm giống nhau: Sự bất mãn phản kháng trước xã hội, tiếng nói tâm tình của một tấm lòng yêu nước nhưng giọng thơ lại rất khác nhau. Điều này sẽ được thấy rõ khi sớm hiểu về nội dung thơ ca của hai nhà thơ.

Cùng là sự bất mãn với xã hội, châm biếm, tố cáo những người những việc xấu xa nhưng cách thể hiện của hai nhà thơ rất khác nhau. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một nhà thơ châm biếm. Nội dung châm biếm của ông bao giờ cũng có một ý nghĩa xã hội và chính trị phong phú. Động cơ châm biếm của ông xuất phát không phải từ sự bất mãn về quyền lợi cá nhân mà là từ lòng yêu nước nồng nàn. Đối tượng đả kích của ông tập trung xung quanh những người những việc có liên quan đến việc nước mất hay việc thực dân Pháp đặt quyền thống trị trên đất nước ta. Hạng người bị Nguyễn Khuyến châm biếm nhiều hơn cả là bọn thống trị phong kiến. Ông rất khinh và ghét mọi quan lại cũ hay mới vì ông cho rằng khi chủ quyền trong nước đã mất thì làm quan là một điều hổ thẹn, một sự vi phạm không thể tha thứ được đối với đạo đức của một nhà nho chân chính. Nguyễn Khuyến đã đánh một đòn đau vào toàn bộ bọn vua quan đương thời khi chỉ ra tất cả bọn chúng chỉ là một đám hát chèo nghĩa là một đám bù nhìn của thực dân:

Vua chèo còn chẳng ra gì

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề

Ông đã hạ bệ những ông tiến sĩ tri thức nhân tài của chế độ phong kiến khi ví chúng với những ông tiến sĩ giấy. Tất cả chỉ là một lũ bất tài vô dụng:

Chiết thân xiêm áo sao mà nhẹ

Cái giá khoa danh thế mới hời

Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe

Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi

Nguyễn Khuyến đã lột trần cái bản chất xấu xí giả tạo của bọn quan lại nhưng bằng một cách thể hiện một cách rất nhẹ nhàng sâu kín. Cái bản chất ấy thường được bọc bên trong những hình ảnh ẩn dụ với nhiều hình thức: khi là sự mượn lời của người vợ mắng chồng, khi là qua một đồ vật giả, khi là lời khuyên… Tất cả đều ẩn ý, sâu cay.

Khác với Nguyễn Khuyến, Tú Xương khi phản ánh hiện thực ông thường miêu tả một cách chân thật đến chua xót, đắng cay chứ không nhẹ nhàng thâm thúy. Tuy nhiên, đó không phải là “một lối chửi đổng, bất lực chứng tỏ một trạng thái đầy ghen tức, oán hờn” như có người phê phán. Ông không hoàn toàn đứng trên lập trường cá nhân, bất mãn rồi phản ánh hiện thực. Tú Xương có vướng mắc trong vấn đề thi cử, có phần bất mãn cá nhân. Điều đó chúng ta không chối cãi. Nhưng điều cần thấy trước là ở Tú Xương có phần bất mãn chung của dân tộc. Nói cho đúng là ở Tú Xương bất mãn cá nhân và bất mãn chung của dân tộc đã kết hợp thành một chỗ đứng, một tư thế cho Tú Xương nhìn hiện thực và phê phán hiện thực. Cũng là châm biếm, đả kích bọn quan lại nhưng hãy xem, quan lại trong thơ Tú Xương hiện lên như thế nào? Với một thái độ khinh ghét đến tột độ, quan lại trong mắt của Tú Xương cũng là món hàng cho nên “đứa thì mua tước, đứa mua quan”, cũng thành chuyện đắt rẻ “Tri huyện lâu nay giá rẻ mà”. Bộ mặt quan lại trong thơ Tú Xương hiện lên khá đậm nét. Tú Xương đã dựng lên trước mắt người đọc một cuốn phim thời sự đơn sơ nhưng sâu sắc về lai lịch, hành tung của bọn đó. Khi còn là sĩ tử, họ lôi thôi bệ rạc, một chút sinh khí không còn:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Họ tranh lộn nhau khoa bảng

Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa Tuân khoe văn hoạt, nghị văn già Khi đỗ đạt được thì chẳng qua là lao sâu vào ô nhục:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,

Dưới sân quan cử ngỏng đầu rồng

Rồi lực làm quan thì sa đoạ, truỵ lạc, không còn lấy chút đạo lí tối thiểu:

Chồng chung vợ chạ kìa cô bố

Đậu lạy quan xin nọ chú hàn

Đặc biệt họ chỉ chuyên nghề vơ vét, bòn rút của nhân dân mà một chút trách nhiệm cũng không hề nghĩ tới:

Chữ y chữ chiểu không phê đến

Ông chỉ quen phê một chữ tiền

Dưới ngòi bút của Tú Xương, quan lại là phường tuồng, đeo râu vẽ mặt, hò hét múa may để lừa bịp thiên hạ:

Nào có ra gì cái lũ tuồng,

Cũng hò cũng hét cũng y uông

Dẫu rằng dối được đàn con trẻ,

Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn

Mô tả bọn quan lại trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến như Tú Xương là hay lắm.

Trong xã hội thực dân nửa phong kiến, đồng tiền làm mưa làm gió thêm một bước gây đảo điên trong xã hội. Cùng là sự phản ánh mặt tiêu cực của đồng tiền nhưng ở Nguyễn Khuyến đó là một câu hỏi nghe nhẹ nhàng nhàng hàm ý sâu cay:

Xem thêm:  Cảm nhận Viếng lăng Bác siêu hay (21 mẫu + Sơ đồ tư duy) - Văn 9

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ!

Đời trước làm quan cũng thế à?

Khác hẳn với cách viết của Tú Xương, dưới ngòi bút của ông, đồng tiền có sức mạnh kì lạ. Nó được người đời âu yếm và tôn thờ. Nó bắt kẻ “tráng sĩ cũng nằm co” nếu trong túi không có nó, ngược lại nó cho phép hễ ai có nó thì tha hồ nói dơi nói chuột mà vẫn được người khen. Đúng là:

Kẻ yêu người ghét hay gì chữ

Đứa trọng thằng khinh chỉ vì tiền.

Vì tiền mà bao nhiêu xấu xa thối nát, bao nhiêu quái gở lố lăng một ngày một diễn ra trong xã hội. Vị tiên mà có cảnh:

Chí cha chí chát khua giày dép

Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Vì tiền mà bọn tu hành bỏ rơi cả đức độ từ bi của Phật quay sống cái nghề cho vay nặng lãi, vì tiền mà nhiều gia đình lục đục, con khinh bố, vợ chửi chồng. Thật là nguy hiểm. Đồng tiền đã phá hoại nhân tâm, phá hoại đạo lí, phá hoại bao nhiêu tình cảm thiêng liêng của con người.

Như vậy ở cùng một đối tượng phản ánh nhưng người đọc bao giờ cũng phân biệt được đâu là thơ Nguyễn Khuyến, đâu là thơ Tú Xương chính bởi giọng điệu. Thơ Nguyễn Khuyến bao giờ cũng nhẹ nhàng, thường dùng hình thức ẩn dụ để qua đó đả kích, phê phán đối tượng. Người đọc thấy được cái hàm ý sâu cay thâm thúy ẩn chứa đằng sau con chữ. Đọc thơ Nguyễn Khuyến lúc đầu tưởng là khen đấy, hỏi han ân cần thật đấy nhưng để rồi đến câu cuối lại là lời mỉa mai chế nhạo của nhà thơ. Tú Xương thì khác, ông không dùng ẩn dụ mà nói hẳn, đả kích trực tiếp đối tượng với tất cả những xấu xa của nó. Thơ ông như những đòn giáng thẳng vào đối tượng, lôi tuột hết những xấu xa, giả tạo của chúng, phơi bày trước mắt người đọc.

Đọc thơ Nguyễn Khuyến người đọc thấy hóm hỉnh và thâm thúy thì đến thơ Tú Xương đó lại là sự bực bội, bất mãn đối với cái xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái xã hội ấy đã đẻ ra những thứ nhố nhăng, lố bịch. Ở đậy, người đọc luôn thấy được ngay sự xấu xa của đối tượng bị nhắc đến và thái độ gay gắt của nhà thơ thể hiện trên con chữ mà không cần suy ngẫm, đợi chờ.

Tuy nhiên, châm biếm đả kích sự xấu xa của xã hội mới chỉ là một mặt của lòng yêu nước ở hai nhà thơ. Một mặt khác không kém phần quan trọng là những nỗi buồn rầu, đau đớn thương tiếc luôn giày vò tâm can họ. Cả hai đều ý thức được nỗi nhục mất nước, ý thức được trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận mệnh nước nhà rồi bất lực. Họ nghĩ đến giống nòi, tổ tông, biết tỏ thái độ bất hợp tác với kẻ thù, biết khinh bỉ những kẻ bán mất lương tâm. Song đến cuối đời vẫn không thoát được cái vòng bế tắc, quẩn quanh, sự day dứt mà chủ yếu vẫn bởi họ không đủ dũng khí bước vào đấu tranh.

Nguyễn Khuyến đã từng làm quan nhưng khi nhận ra những suy đồi của chế độ ông lập tức dứt áo giã từ. Ra đi theo tiếng gọi của lương tâm ông quyết sống cuộc đời dù nghèo khổ nhưng bảo toàn được danh tiết. Tú Xương không làm quan, đi thi tám lần không đỗ chỉ bởi phạm huý, sai luật.

Đứng trước những đổi thay của thế thái nhân tình, nhân cách nhà nho chân chính của hai con người ấy vẫn giữ được sự vững vàng, kiên trung. Ở họ ta bắt gặp những quan điểm sống giống nhau. Với Nguyễn Khuyến đó là cách sống giả câm giả điếc “Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa”. Tú Xương cũng vậy, sống chỉ là “ấm ờ, giả câm giả điếc”, là “khôn chán thì giả làm ngây” là không cần phô trương chí khí với đời là không màng công danh, ung dung ngoài vòng cương tỏa mà vẫy vũng cho thỏa chí.

Hai con người, hai cách sống, hai cách thể hiện khác nhau, điều đó tạo nên sự độc đáo riêng đối với từng phong cách tác giả đồng thời làm giàu, làm đẹp thêm cho vườn hoa văn học đất nước. Nhưng dù khác nhau về hình thức, họ lại gặp nhau nơi tấm lòng yêu nước sắt son, chung thủy. Đây chính là yếu tố để cả Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và người thư kí của thời đại Tú Xương luôn đi bên nhau và cùng nhau đường hoàng bước vào cõi bất diệt của văn học Việt Nam.

Phân tích nét tương đồng về giọng thơ Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương – Bài làm 3

Nguyễn Khuyến (1835 11909), Trần Tế Xương (1870 – 1907) là hai nhà thơ trào phúng nổi tiếng của đất Hà Nam, Nam Định. Tuy chênh lệch khá nhiều về tuổi tác, về đường công danh nhưng hai ông có một số điểm gần gũi trong cách nhìn nhận và đánh giá thời cuộc và cả hai đã dùng tiếng cười châm biếm, trào lộng trong thơ ca để phơi bày bản chất nhố nhăng, suy đồi của cái xã hội thực dân, phong kiến dở Tây dở ta thuở ấy.

Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đã bình định xong Đông Dương về mặt quân sự và bắt đầu triển khai kế hoạch bình định trên các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, văn hoá… Trường học được mở ở khắp nơi để dạy tiếng Pháp và đào tạo ra thế hệ quan lại bản xứ tay sai thân Pháp. Sự bành trướng nhanh chóng của nền giáo dục thực dân đã đẩy lùi nền giáo dục truyền thống dựa trên nền tảng đạo Nho có từ lâu đời ở nước ta. Nho học tàn dần, phần lớn tầng lớp trí thức vội vã “Quẳng bút lông đi giắt bút chì” để mong nhận được chức thầy thông, thầy phán trong các công sở của chính quyền bảo hộ, đặng hưởng cuộc sống “Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò”, khác xa với cuộc sống lầm than của cả dân tộc dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp.

Là một bậc đại khoa đã từng làm quan hơn mười năm trong triều đình nhà Nguyễn với nhiều chức vụ khác nhau, Nguyễn Khuyến hiểu sâu sắc tình thế nước nhà lúc bấy giờ. Từ vua tới quan chỉ là những con rối trong tay chính quyền thực dân, hoàn toàn chịu sự chi phối và điều khiển của chúng. Xót xa và thấm thía nỗi nhục quốc thể, nhà thơ đã mượn lời than thở của vợ người hát chèo để nói lên thực trạng đau lòng ấy:

Xem thêm:  Mẫu đơn xin vào học lớp 6 năm 2023 - Hoatieu.vn

Vua chèo còn chẳng ra gì,

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề.

(Lời vợ người hát chèo)

Theo bước chân của đạo quân xâm lược phương Tây, yếu tố tư bản chủ nghĩa cũng tràn vào nước ta, làm thay đổi diện mạo của xã hội phong kiến đã định hình hàng ngàn năm. Nền tảng tư tưởng, nền tảng đạo đức truyền thống lung lay dữ dội. Nhiều giá trị cơ bản bị đảo lộn, đồng tiền được tôn lên vị trí thống soái, chi phối toàn bộ cuộc sống của con người. Chính vì thế mới có những cảnh cười ra nước mắt trong hội Tây do thực dân Pháp tổ chức mà người bản xứ tham gia các trò chơi tỏ ra vui vẻ đến vô tâm trước nỗi nhục nô lệ:

Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo,

Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.

Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,

Thằng bé lom khom nghé hát chèo.

Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,

Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.

Khen ai khéo vẽ cho vui thế,

Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!

(Hội Tây)

Tiếng cười của Nguyễn Khuyến là tiếng cười của lương tâm, của ý thức liêm sỉ nên thâm thuý và thấm đượm nước mắt. Không chỉ cười những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống đương thời, nhà thơ còn dám nhìn sâu vào bên trong con người mình để tự trào:

Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,

Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.

Cờ đương dở cuộc không còn nước,

Bạc chửa thầu canh đã chạy làng.

Mở miệng nói ra gàn bát sách,

Mềm mồi chén mãi tít cung thang.

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhị

Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!

(Tự trào)

Đúng là chân dung của một con người dở dang mọi nhẽ, công chẳng thành mà danh chẳng toại, thật đáng buồn, đáng chán. Ngẫm người rồi ngẫm đến ta, nhiểu lúc cụ Tam Nguyên Yên Đổ cũng chế giễu mình bằng nụ cười nhếch mép đầy xót xa, cay đắng. Cụ ngầm so sánh những bậc đại khoa có tiếng tăm giống như mình nhưng cũng đành xuôi tay bất lực trước thời thế đảo điên thì chẳng khác gì mấy ông phỗng đá vô hồn.

Nhà thơ Trần Tế xương nhìn đời với đôi mắt bất bình của kẻ sinh bất phùng thời nên đâu đâu cũng thấy những cảnh chướng tai gai mắt:

Nhà kia lỗi đạo con khinh bố,

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.

Vì tiền mà các cô gái tơ sẵn sàng chấp nhận thân phận làm vợ bé các thầy ký, thầy phán để rồi phải lãnh chịu kết cục thảm thương:

Cô Kí sao mà đã chết ngay?

Ô hay, Trời chẳng nể ông Tây.

Gái tơ đi lấy làm hai họ,

Năm mới vừa sang được một ngày.

Hàng phố điếu bằng câu đối đỏ,

Ông chồng thương đến cái xe tay.

Gớm thay cho các cô con gái,

Mà vẫn đua nhau lấy các thầy!

(Mồng ba Tết viếng cô Kí)

Vì tiền nên mới diễn ra những cảnh huống lố bịch, nhố nhăng khiến nhà thơ Tú Xương tức giận phải bật lên tiếng chửi phũ phàng:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu,

Trăm nghìn vạn mớ để vào đậu.

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu.

Lẳng lặng, mà nghe nó chúc sang,

Đứa thời bán tước đứa mua quan,

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa chùi vừa rao cũng đắt hàng.

(Năm mới chúc nhau)

Hiện tượng bỏ tiền ra để mua quan bán tước, mua chuộc, hối lộ hòng kiếm lấy một chức vị hay một mảnh bằng nào đó đã trở nên khá phổ biến trong cái xã hội bát nháo, kỉ cương rối loạn. Học giỏi như Tú xương nhưng cứ trượt hoài vì Tám khoa không khỏi phạm trường quy, trong khi đó một số tên công tử con nhà giàu ham chơi học dốt thì lại đỗ. Bất bình, nhà thơ văng tục:

Cử nhân cậu ấm Kỉ,

Tú tài con Đô Mĩ.

Thi thế mà cũng thi,

Ối khỉ ơi là khỉ!

Còn cái loại đậu lạy, quan xin thì nhan nhản khắp nơi. Điềm tĩnh, chín chắn như Nguyễn Khuyến mà cũng phải chua chát nhận xét về đám người này qua bài thơ Tiến sĩ giấy:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,

Cũng gọi ông nghè có kém ai.

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,

Nét son điểm rõ mặt văn khôi.

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,

Cái giá khoa danh ấy mới hời.

Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,

Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi!

Sống trong cái xã hội bị ma lực đồng tiền chi phối và khuynh đảo ghê gớm như vậy thì những người luôn đề cao phẩm giá như Nguyễn Khuyến, Tú Xương chỉ có cách duy nhất là giữ gìn khí tiết trong sạch, xa lánh cõi đời thật giả, vàng thau lẫn lộn. Đêm giao thừa, nghe tiếng pháo nổ mừng năm mới của những kẻ lắm của nhiều tiền, thi sĩ nghèo Tú Xương suy ngẫm rồi cám cảnh thốt lên hai câu thơ châm biếm sâu cay:

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo,

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.

Tiếng cười trào lộng ở đây không vang lên hả hê, khoái trá mà chứa đựng một nỗi đau, nỗi hận và day dứt khôn nguôi. Sự nhố nhăng không chỉ hiện diện ở ngoài đời mà nó còn lan tràn cả vào chốn tôn nghiêm của cửa Khổng sân Trinh, biến các khoa thi Hán học thành chợ trời nhốn nháo. Tú Xương cười nhạo cảnh: Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng và cũng khóc thầm trước quang cảnh lố lăng của một kì thi Hương ở Nam Định vào giai đoạn Nho giáo đã suy tàn:

Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ ,

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Cờ cắm rợp trời quan sứ đến,

Vảy lê quét đất mụ đầm ra.

Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!

(Vịnh khoa thi Hương)

Rõ ràng cùng là tiếng cười trào lộng đả kích, phê phán những hiện tượng xấu xa, tiêu cực trong xã hội thực dân phong kiến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nhưng đặc điểm tiếng cười của Nguyễn Khuyến khác với Tú xương. Tiếng cười Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng, thâm thuý; còn tiếng cười Tú Xương mạnh như những làn roi quất thẳng vào mặt cái xã hội điêu trá ấy. Chừng nào cái ác, cái xấu còn tồn tại thì tiếng cười đầy ý nghĩa của hai nhà thơ nổi tiếng trên vẫn còn nguyên giá trị.

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.