Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần (1272 – 1346)

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về Luong quoc trang nguyen thoi tran la ai chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) đỗ trạng nguyên thời Trần Anh Tông, nổi tiếng với những giai thoại lịch sử khi đi sứ sang Trung Quốc.

Mạc Đĩnh Chi là ai?

Mạc Đĩnh Chi là một vị quan đại thần và nhà ngoại giao nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ông thi đỗ trạng nguyên năm Hưng Long thứ 12 (1304) đời vua Trần Anh Tông.

Thuở nhỏ, Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là người thông minh, ham học. Sau khi đỗ trạng nguyên, do tướng mạo xấu xí nên thời gian đầu không được nhà vua trọng dụng.

Về nguồn gốc quê quán, theo Đại việt sử ký toàn thư thì ông sinh ở làng Bàng Hà và Ba Điểm, huyện Thanh Hà cũ (nay thuộc huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương và huyện Tiên Lăng, Hải Phòng); còn theo Lịch triều hiến chương loại chí, Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Đông (tỉnh Hải Dương ngày nay).

Nhờ sự hiểu biết sâu rộng và trí tuệ thông minh hơn người, năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ sang Trung Quốc. Trước triều thần nhà Nguyên, ông đã tỏ rõ khí phách và tài năng của mình, nhất là tài ứng đối linh loạt của mình, nhiều câu chuyện đã trở thành những giai thoại nổi tiếng về ông.

Phần I – Cậu bé nhà nghèo ham đọc sách

Tuổi còn nhỏ nhưng tính tình cương nghị

Trời nổi giông. Cơn mưa tai ác kéo ập đến giữa chiều. Từ trong rừng sâu, hai mẹ con Mạc Đĩnh Chi vội vàng bó củi để gánh về bán cho nhà hào phú ở Lũng Động theo thường lệ.

Nhưng cổng nhà hào phú đã đóng chặt. Mạc Đĩnh Chi ái ngại nhìn mẹ rồi đặt gánh củi xuống bên đường, đẩy mạnh cánh cổng, nhưng cánh cổng làm bằng gỗ lim tấm, không nhúc nhích.

Mạc Đĩnh Chi băn khoăn:

– Mình con ở lại chờ ngớt mưa rồi bán. Mẹ về trước đi.

Bà mẹ đứng nép vào bó củi, tránh cơn gió mạnh:

– Lần đầu đi, con biết bán thế nào? Con về nghỉ lấy sức mà học. Đằng nào mẹ cũng phải chờ. Mẹ phải chờ con ạ. – Bà mẹ nhắc lại, giọng thiểu não.

Trong suốt đời mình không bao giờ Mạc Đĩnh Chi quên được cái nhìn buồn bã ấy của mẹ. Gương mặt mẹ lúc ấy teo lại vì thấm mệt, còn vì cả lo lắng nữa.

Chợt nhớ ra nhà hào phú có đứa con cùng học với mình một lớp, Mạc Đĩnh Chi tỏ ra thích thú, lên tiếng gọi bạn. Cuối cùng, một gia nô ra mở cổng. Hai mẹ con Mạc Đĩnh Chi vừa gánh củi vào đến sân, thì một lũ chó con nào con nấy béo nung núc nhảy xổ vào cắn. Theo bản năng, Mạc Đĩnh Chi vội đặt gánh, rút một thanh củi để chống chọi với đàn chó. Lập tức, từ trên nhà lớn, giọng một đứa trẻ quát:

– Họ nhà khỉ! Động đến chó nhà tao thì cứ liệu hồn.

Nhận ra tiếng bạn, Mạc Đĩnh Chi vội nói:

– Đánh chó cho tôi với. Mạc Đĩnh Chi đây mà.

Mạc Đĩnh Chi sửng sốt nghe thấy bạn sừng sộ:

– Ai bạn với thằng khỉ! Muốn chết bảo ông!

Hai mẹ con Mạc Đĩnh Chi nín nhịn rồi vừa chống cự với đàn chó vừa gánh củi vào dãy nhà ngang. Câu chuyện tưởng đã xong. Nào ngờ khi Mạc Đĩnh Chi vừa định bước lên nhà thì lập tức bị ngăn lại. Vẫn giọng thằng bé con nhà hào phú:

– Ai mời mà mày dám vác mặt lên đây, làm bẩn nhà tao.

Bị xúc phạm đến nước ấy, Mạc Đĩnh Chi không nhịn được nữa. Nhìn thẳng vào kẻ đang chặn mình, Mạc Đĩnh Chi nói rành rọt:

– Tao không thèm đến nhà mày. Chỉ vì tao phải bán củi. – Ngừng một lát, Mạc Đĩnh Chi nói tiếp, giọng khinh bỉ: Mày quên mất những lúc mày phải van lạy tao, nhờ tao làm hộ bài tập văn cho mày rồi sao?

Không ngờ bị Mạc Đĩnh Chi tố ra sự dốt nát của mình, con tên hào phú bù lu bù loa:

– Trời ơi! Nó dám hỗn hào, dám đến nhà người ta để bắt nạt người ta.

– Cái gì thế? Tên hào phú uể oải rời chiếc sập gụ sơn son thếp vàng, gắt hỏi.

– Thằng Mạc Đĩnh Chi, con nhà bần tiện, bắt nạt con. – con tên hào phú vừa đáp vừa khóc rưng rức như người bị oan thực sự.

Nghe con nói vậy, tên hào phú nhảy xổ ra hiên. Nhưng, lập tức hắn dừng lạ. Hắn đã bắt gặp cậu bé con nhà nghèo khổ này ở đâu mà trông quen đến thế. Kìa, tướng mạo nó trông thật xấu: người thì thấp bé, cái trán dô ra, miệng rộng, nước da đen cháy, nhưng đôi mắt lại thật lạ lùng. Hắn chưa thấy cậu bé nào có đôi mắt sáng như thế. Ai nhìn vào đôi mắt ấy cũng sinh lòng nể trọng. Hắn cố bóp óc suy nghĩ. À phải rồi, hắn đã gặp Mạc Đĩnh Chi và nghe cậu bé tự đọc bài thơ của mình trong buổi bình văn ở trường Lũng Động. Không ai ngờ, cậu bé xấu xí ấy lại làm được bài thơ hay đến thế. Và, cũng qua thầy đồ Lũng Động, hắn còn sửng sốt được biết rằng đứa trẻ nổi tiếng thần đồng và có tài học uyên bác mà cả vùng đồn đại bấy lâu cũng chính là cậu bé con nhà tiều phu khốn khổ ấy, đang đứng trước mặt hắn, ngay dưới thềm, toàn thân run lên vì rét. Lẫn lộn trong tình cảm vừa phục tài vừa ghen ghét, hắn cố lấy giọng đường bệ:

– À, vẫn cái thằng giống khỉ nhiều hơn giống người này. Mày lại dám so độ tài năng với con vàng cháu ngọc của ta à!

Mạc Đĩnh Chi nghiêm trang:

– Thưa ông! Cháu không hề có ý đọ tài năng với con ông, và cũng không thể so đọ được ở chốn này. Chỉ là vì con nhà ông cậy gần nhà…

– Mày dám xách mé ví con tao là chó à. – tên hào phú cắt ngang câu nói của Mạc Đĩnh Chi, sừng sộ.

Bà mẹ Mạc Đĩnh Chi ngỡ ngàng trước tình huống ấy, vội bước lại, giọng run lên không hẳn vì rét:

– Lạy cụ đoái thương cho tình cảnh mẹ con con. Cháu nó dại mồm dại miệng, cụ tha thứ cho nó, con được nhờ ơn cụ. Con đã gánh củi đến, cụ cho mẹ con kẻ nghèo này đấu gạo.

Tên phú hào chưa kịp xua tay từ chối, thì cũng rất bất ngờ, hắn nghe thấy Mạc Đĩnh Chi nói với mẹ:

– Mẹ đừng nói thế, coi thường mẹ con mình đi. Con có lỗi gì mà mẹ phải xin. Ông ấy mua thì trả tiền bằng không thì thôi.

Nói rồi, Mạc Đĩnh Chi kéo tay mẹ và gánh củi trở về. Tên hào phú tức lộn ruột, nhưng hắn hoàn toàn bị động trước thái độ cứng rắn và phản ứng nhanh, nhạy của Mạc Đĩnh Chi. Đến lúc hắn thấy cần phải trừng trị, bằng cách xua cho chó cắn chết hai mẹ con kẻ tiều phu, thì Mạc Đĩnh Chi đã đi xa. Hắn quay lại, trút giận dữ vào đứa con ngây thộn, vẫn còn khóc ti tỉ:

– Mày bằng lứa với nó, nhưng mày chỉ đáng xách tráp hầu nó thôi.

Cậu bé nghèo hiếu học

Giấc ngủ đã cho Mạc Đĩnh Chi sự yên tĩnh trở lại và những lời khuyên bổ ích. Sau đêm tưởng phải thức trắng vì bực mình, vì đói ấy, Mạc Đĩnh Chi tự nhủ: Phải quên những va vấp như thế nhanh chừng nào hay chừng ấy. Hơn thế nữa, Mạc Đĩnh Chi sẵn sàng đón nhận những sự thật phũ phàng hơn. Mạc Đĩnh Chi không lạ gì thói đời kẻ giàu vẫn khinh miệt người nghèo. Mà người nghèo ấy lại là mình: mồ côi cha từ sớm, tài sản không có gì đáng giá ngoài túp nhà tranh bên ven rừng và mảnh vườn xơ xác. Chỉ thương mẹ vì mình mà phải chịu bao cực nhục, hết gồng thuê gánh mướn lại lên rừng kiếm củi, chắt chiu từng đồng để nuôi con qua khỏi bao nhiêu lần sài đẹn, ốm ho, bệnh hoạn, giữa bao lời đồn đại lẫn cả tiếng chê cười. Mẹ đã đơn giản đinh ninh một điều rằng, người ta nghèo khổ quá chỉ vì ngu dốt, nếu học được nhiều, ắt có ngày thành đạt. Vì vậy, mẹ đã chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả để cố nuôi cho con đi học. Biết con học sáng, mẹ rất vui lòng. Và trong những năm tháng nhọc nhằn, tủi nhục, mẹ vẫn thường ước ao con mẹ sẽ có ngày đỗ đạt. Niềm tin ấy đã vực mẹ vượt qua tất cả. Hiểu lòng mẹ nên Mạc Đĩnh Chi càng cố tâm học tập. Vốn là cậu bé có tư chất thông minh lại phải sống trong cảnh mồ côi, bị người đời khinh rẻ, nên Mạc Đĩnh Chi sớm thấu hiểu ý nghĩa cuộc đời. Đối với Mạc Đĩnh Chi, dường như chỉ có học tập, học tập thành tài mới là con đường đưa cậu bé thoát khỏi cảnh nghèo nàn và bị coi khinh. Hơn thế nữa, thời này đây phẩm giá thanh cao của con người cũng từ sự đỗ đạt mà nên. Vì vậy, không mấy lúc Mạc Đĩnh Chi ngơi đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách. Không có đủ sách học, Mạc Đĩnh Chi mượn thầy mượn bạn. Mạc Đĩnh Chi cố học thuộc những cuốn sách quý. Không có tiền mua nến để học, Mạc Đĩnh Chi lấy củi thay thế. Hết củi, Mạc Đĩnh Chi đi kiếm lá rừng.

Nhưng đã đến lúc kho sách của thầy và của bạn không đủ đáp ứng nhu cầu của cậu bé. Lấy đâu ra tiền để mua sách? Mạc Đĩnh Chi loay hoay mãi mà chưa nghĩ ra. Mạc Đĩnh Chi đi kiếm củi thêm. Và, dù chẳng được bao nhiêu tiền, nhưng là cách duy nhất để cậu bé có thể có tiền mua sách. Từ đó, hàng ngày Mạc Đĩnh Chi vừa đi kiếm củi vừa học. Mạc Đĩnh Chi có gầy đi và đen thêm nhưng kiến thức cũng vì thế ngày càng được mở mang.

Chuẩn bị cho kỳ thi Đình

Chỉ còn hai năm nữa lại đến kỳ thi Đình [1]. Tự thấy sức mình không đủ dạy Mạc Đĩnh Chi, thầy đồ Lũng Động đã khuyên Đĩnh Chi đến theo học một người bạn mình vốn đã đỗ tam khôi [2] đang ngồi dạy họ ở vùng bên. Hôm chia tay, vì thương nhà Mạc Đĩnh Chi nghèo, thầy đồ đưa cho Đĩnh Chi ít tiền và ân cần căn dặn:

– Thời này, sau ba lần đuổi giặc, đức vua biết nới sức dân, chú tâm tuyển lựa nhân tài mở mang nền thịnh trị thái bình của đất nước. Vì vậy, con có cơ đạt được công danh trên đường khoa bảng. Con là người có chí, có tài đức, nhưng vì thuộc dòng cùng dân nên cái tài cái đức của con phải hơn người gấp bội mới mong được trọng dụng.

Mạc Đĩnh Chi rưng rưng nước mắt:

– Thầy đã xua tan cho con một lớp mây mù. Tạ ơn thầy chỉ giáo. Con tin theo lời thầy để cố công học tập. Ngừng lại một lát để nén xúc động, Mạc Đĩnh Chi tiếp, dáng ngần ngại – thầy còn trông các em, con không dám nhận số tiền này. Lúc nào cần con sẽ xin thầy sau.

Thầy đồ thoáng buồn đỡ lấy bọc tiền Mạc Đĩnh Chi đang cung kính trao lại. Đã từng dạy Đĩnh Chi bao năm, thầy đồ hiểu cậu bé khảng khái và cương nghị này không dễ bắt ép làm một việc gì mà cậu không cho là phải. Dầu vậy, thầy đồ vẫn có ý không bằng lòng. Nhưng ngay sau đó, thầy đồ lại tự cắt nghĩa. Có lẽ nó thường bị người đời khinh rẻ do phận nghèo, nên mới khí khái quá đáng như thế. Và, cho đến lúc Đĩnh Chi ôm bọc hành lý đã đi xa, thầy đồ vẫn đứng nhìn theo mãi. Phải xa cậu học trò yêu, thầy đồ vừa vui vừa buồn. Vui vì thầy đồ thấy mình làm được một việc có nghĩa. Chắc rằng, gặp được thầy dạy giỏi, sức học Mạc Đĩnh Chi sẽ mau chóng tấn tới. Từng dạy học lâu năm, nhiều người đã thành đạt, nhưng thầy đồ chưa thấy trò nào thông mình, có trí nhớ kỳ lạ, ứng đối nhanh nhẹn, nhất là có nghị lực như Mạc Đĩnh Chi. Thấy đồ buồn vì phải xa người học trò vừa giỏi vừa ngoan. Đặc biệt điều làm thầy đồ băn khoăn là liệu Mạc Đĩnh Chi có đủ tiền gạo theo học đến đầu đến đũa không? Mặc dầu vậy, linh tính như báo trước: một cậu bé có nghị lực phi thường đã từng chịu đựng cảnh nghèo, khổ công học tập trong bao năm thì nay cũng sẽ vượt được tất cả.

Phần II – Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Vị tân khoa tướng mạo xấu xí

Tin Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên được lan truyền rất nhanh ở kinh đô. Ngay sau lễ truyền lô [3], người dân kinh đô Thăng Long xôn xao bàn tán về tài học có một không ai của vị tân trạng nguyên vốn là con nhà tiều phu xuất hiện. Rồi họ nô nức kéo nhau đi xem mặt trạng. Nhưng cũng giữa khi ấy, trong triều đình lại xảy ra một việc trái lệ thường. Lúc Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt vua Trần Anh Tông [4] trước khi đi diễu các phố thì vì thấy tướng mạo Mạc Đĩnh Chi quá xấu, vua chẳng nói chẳng rằng cho Mạc Đĩnh Chi lui và bắt hoãn các nghi lễ đón rước trạng. Vua cho vời quan chủ sự thi vào hỏi:

– Khanh đã xem xét kỹ lưỡng văn bài của các sĩ nhân chưa? Trẫm ngờ rằng có sự nhầm lẫn nào chăng?

– Muôn tâu vương thượng! Thần và các quan chủ khảo cũng vì sợ sự nhầm lẫn đó mà đã xem đi xem lại nhiều lần. Thực tài Mạc Đĩnh Chi hơn nhiều người lắm.

– Trẫm phải xem lại lần nữa bài văn của Mạc Đĩnh Chi và mấy sĩ nhân được chấm đỗ cao.

Lập tức một xếp bài thi được đem đến. Vua Anh Tông chăm chú đọc lại các bài thi. Hồi lâu, vua nói với quan chủ sự:

– Quả là lý lẽ của Mạc Đĩnh Chi hàm súc, thanh thoát, không nhân sĩ nào so sánh được. Trẫm khá khen thay. Chẳng hay tính hạnh Mạc Đĩnh Chi ra sao?

– Thần thật không ngờ con người ấy sớm phải chịu cảnh mồ côi cha. Việc ăn học của Mạc Đĩnh Chi chỉ do một tay người mẹ hèn, làm nghề đốn củi chăm lo.

– Sao, con nhà tiều phu à? – Vua ngắt lời viên quan, không giấu được vẻ sửng sốt, thất vọng.

– Nhưng – viên quan tiếp – thần xin lấy đầu đảm bảo Mạc Đĩnh Chi là người cương trực, liêm khiết, biết kính trên nhường dưới. Về mặt ứng đối lại càng sắc sảo. Con người ấy nếu biết dùng sẽ là người có tài kinh bang tế thế đời nay.

Vua Anh Tông cau mày suy nghĩ rồi nói, giọng không vui:

Xem thêm:  'Pháo hoa' và 'pháo hoa nổ' khác nhau như thế nào?

– Trẫm thật lấy làm tiếc, một người có tài nhường ấy mà là hạng cùng dân. Đã thế, tướng mạo lại xấu xí. Trẫm thật tình không muốn cho đỗ.

Bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc)

Đêm ấy, Mạc Đĩnh Chi thao thức không ngủ được. Hóa ra không phải chỉ có bọn nhà giàu khinh kẻ nghèo mà chính vua cũng chê kẻ nghèo. Mới chỉ có mấy ngày sống ở kinh đô, bước đầu tiếp xúc với các văn võ bá quan, Mạc Đĩnh Chi đã học được bao nhiêu điều không có trong sách vở. Trong thâm cung của sự thật bao giờ cũng chứa nhiều cay đắng – Mạc Đĩnh Chi buồn rầu, nhận ra điều ấy. Lẽ nào leo cau đã đến buồng, cau đã cắt được rồi, mà bỗng dưng, chỉ vì phận nghèo, kết quả rồi lại xôi hỏng bỏng không! Ta lại phải rời kinh đô, trở về làng cũ, vùi dập bao năm dùi mài đèn sách, sôi kinh nấu sử. Hơn thế nữa, vùi dập cả bao mơ ước muốn đem những điều đã học được để phụng sự cho đời hay sao? Mạc Đĩnh Chi suýt bật khóc khi nghĩ tới mẹ già từng chịu bao đắng cay, tủi nhục vì con và đang đỏ mắt trông chờ tin con. Từ đáy lòng Mạc Đĩnh Chi thấy dội lên tình cảm yêu ghét xen lẫn lòng oán giận đối với triều đình vua Trần. Nhưng chẳng lẽ ta lại cam chịu số phận ấy một cách dễ dàng đến thế? Chẳng lẽ vua lại không muốn dùng người hiền, những người muốn đem tài trí của mình để dựng nên nền thịnh trị thái bình cho dân nước? Các bậc đế vương xưa đâu có chật hẹp như thế? Chẳng lẽ vua Anh Tông lại thiển cận đến mức ấy sao? Sau gần trọn đêm mất ngủ, một ý định chợt nảy ra: Ít nhất cũng phải để cho vua thấy ta tuy nghèo nhưng là người có phẩm giá thanh cao, có chí thờ vua giúp nước như bao người quyền quý khác. Ý nghĩ ấy khiến cho Mạc Đĩnh Chi thấy tỉnh táo, minh mẫn hẳn lên. Ta phải viết một bài phú dâng vua nói được chí mình! Mạc Đĩnh Chi vùng dậy, đốt nến, lấy nghiên bút thực hiện ý định. Mạc Đĩnh Chi viết bài phú rất nhanh. Viết nhanh, diễn đạt ý nghĩ của mình khúc chiết, sắc sảo, đó là chỗ mạnh của Mạc Đĩnh Chi; huống hồ, ý tứ bài phú tuy mới dội lên từ hồi đêm, nhưng là những điều đã chất chứa, tích lũy qua bao nhiêu sách vở, qua bao vị cay đắng, mặn chát của cuộc đời. Vì vậy, không đầy một trống canh, bài phú dâng vua đã thảo xong. Mạc Đĩnh Chi buông bút, ngả người lên thành ghế đọc lại bài phú và hài lòng vì thấy đã gói gọn được ý mình. “Ngọc tỉnh liên” (hoa sen trong giếng ngọc), đầu đề bài phú cũng thật hợp với hàm ý toàn bài. Nói được ý mình, Mạc Đĩnh Chi như thấy trút được những ấm ức trong lòng. Mạc Đĩnh Chi phấn chấn đọc lại những đoạn mà mình thích thú nhất [5].

Chẳng phải như đào trần, lý tục; chẳng phải như trúc cỗi, mai gầy [6].

Cầu kỷ phòng Tăng khó sánh [7]; mẫu đơn đất Lạc nào bì [8].

Giậu Đào Lệnh [9], cúc sao ví dược; vườn Linh Quân [10], lan sá kể gì.

Chợt Mạc Đĩnh Chi cảm thấy bài phú còn chỗ nào chưa thật như ý. Mạc Đĩnh Chi vội đọc lại lần nữa rồi căng óc suy nghĩ. Phải rồi, nếu chỉ làm rõ được phẩm giá thanh cao của mình thì thật chưa hoàn hảo. Phải thêm, chính ta là người có chí tiến thủ, muốn được như người xưa, đem tài năng đức độ cáng đáng những trọng trách gây đời thịnh trị cho dân nước. Và, ta có thể làm được những việc ấy chứ không phải bên trong trống rỗng. Chẳng qua số phận ta gặp nhiều trắc trở, không được thi thố hết sức mình. Nhưng dầu số ta có hẩm hiu như thế chăng nữa, những điều ta đọc được để phụng sự cho đời cũng không dễ mai một. Rồi một lúc nào đấy, ta sẽ được mặc sức đem tài năng nối chí người trước, cứu cho khắp, giúp cho cùng được muôn họ. Cần thêm những ý ấy dù phải chép lại cả bài phú – Mạc Đĩnh Chi tự nhủ và cầm bút ghi vội những ý nóng hổi:

“Không phải là bên trong trống rỗng không có gì. Than cho số phận thuyền quyên phần nhiều gặp sự trắc trở. Nếu cái cuống lá của ta vẫn đứng thẳng, thì mưa gió có hại gì” [11].

Bài phú được dâng lên vua. Vua Trần Anh Tông xem xong lại càng sửng sốt trước tài năng của Mạc Đĩnh Chi. Vua nói với giới văn thần:

– Trẫm chưa được đọc bài phú nào hay đến thế. Không câu nào, chữ nào thoát ra khỏi khuôn phép của đầu đề. Phải là người có học vấn uyên thâm, có khí phách cao cường mới viết được bài phú như vậy. Một người như thế lẽ nào ta không để cho đỗ trạng.

Quyết định của vua cũng thật bất ngờ. Ngay ngày hôm đó, vua cho vời Mạc Đĩnh Chi vào cung và ra lệnh cho các quần thần phải làm đầy đủ mọi nghi thức đối với vị tân trạng nguyên.

Câu đố hóc búa của sứ giả nhà Nguyên

Vì cảm phục tài năng của Mạc Đĩnh Chi, vua Anh Tông phải cho đỗ trạng. Nhưng trong thâm tâm vua và cả các viên đại thần triều Trần đều không có ý trọng dụng vị tân trạng nguyên có tướng mạo xấu xí ấy. Vì thế, mấy năm rồi, Mạc Đĩnh Chi chỉ được làm một chức quan nhỏ: Nội thư gia, chức quan ít quyền hành, không có điều kiện thi thố tài năng.

Nhưng rồi, có lần vua Anh Tông đã nhận ra sai sót của mình và phải trọng dụng Mạc Đĩnh Chi. Chuyện ấy cả kinh đô ai cũng biết. Giới văn thần triều đình từ đó càng khâm phục Mạc Đĩnh Chi hơn.

Ngày ấy, sứ nhà Nguyên sang nước Việt để thăm dò nhân tài. Đang trên đường tới Thăng Long, viên sứ đột ngột dừng lại ở trạm Xương Giang. Từ đấy, sứ gửi cho vua Trần một phong thư và cố ý chờ không chịu đi tiếp. Thư đến Thăng Long, vua Anh Tông mở ra xem thì chỉ thấy có một bài thơ ngụ ngôn như sau:

“Lưỡng nhật bình đầu nhậtTứ sơn điên đảo sơnLưỡng vương tranh nhất quốcTứ khẩu tung hoành gian.”

Nghĩa là:

Hai mặt trời, mặt trời bằng đầuBốn trái núi, trái núi điên đảoHai ông vua tranh nhau một nướcBốn cái miệng ở trong khoảng dọc ngang.

Thật là một bài thơ kỳ quặc, vua Trần chịu không hiểu. Vua hội các văn thần, nhưng luận bàn mãi không ai giải đoán ra được. Có người tâu vua, thử cho mời Mạc Đĩnh Chi đến hỏi. Nhưng Mạc Đĩnh Chi đã về quê hộ tang mẹ từ trước. Chỉ cần trả lời chậm cũng đủ làm nhục quốc thế; huống chi cả triều đình đang bó tay không hiểu. Chẳng đừng được, vua sai đem ngựa, nghi trượng gấp đi đón Mạc Đĩnh Chi hồi triều. Vua cố ý dùng nghi lễ trang trọng đón vị trạng nguyên, cốt để xí xóa chỗ sai sót, lâu nay không trọng dụng tài năng Mạc Đĩnh Chi.

Giữa lúc ấy Mạc Đĩnh Chi đang sống ở quê nhà, ngay ngôi nhà tồi tàn mà khi xưa hai mẹ con đã sống, người tiều tụy hẳn đi. Nhác thấy nghi lễ đón mình quá trang trọng, Mạc Đĩnh Chi thoáng sửng sốt. Nhưng rồi, vị trạng nguyên trẻ tuổi đã đoán ra:

– Có phải sứ nhà Nguyễn đã sang đó không – Mạc Đĩnh Chi hỏi viên quan bộ Lễ, khi viên quan này chưa kịp chào.

Viên quan bộ Lễ kinh hoàng:

– Thật không ngờ quan trạng đã thấy trước được mọi việc. Vương thượng đang nóng lòng chờ quan trạng.

Mạc Đĩnh Chi nghĩ thầm: Chắc có điều gì nan giải, ai nấy phải bó tay nên vua mới vời mình về. Vua đã bao giờ thực bụng dùng mình đâu. Nhưng linh tính như báo trước có việc hệ trọng lắm, nên Mạc Đĩnh Chi nén thương đau, bỏ qua những phật ý nhỏ nhặt, vội lên xe ngựa.

Vừa tới kinh, vua Anh Tông an ủi Mạc Đĩnh Chi rồi vừa đưa phong thư của sứ Nguyên cho Mạc Đĩnh Chi, vừa nói:

– Sứ nhà Nguyên quen thói hống hách gửi cho trẫm thư này. Khanh khá vì trẫm để giảng giải ý nghĩa của nó cho trẫm nghe.

Mạc Đĩnh Chi đỡ lấy bài thơ. Đọc xong, vị trạng nguyên trở lại dáng hoạt bát, linh lợi thường ngày:

– Muôn tâu vương thượng, cái trò đánh đố nhỏ nhặt này bõ bèn gì mà vương thương phải bận lòng suy nghĩ.

– Khanh nói sao? Vua hồ hởi, cắt ngang – Ý từ của bài thơ phải luận ra thế nào?

– Muôn tâu vương thượng – Đó là chữ Điền (田). Và bài bài thơ ấy có nghĩa là:

Hai nhật (日) bằng đầu để sóng hàngBốn sơn (山) xáo lộn dọc cùng ngangHai vương (王) nghiên ngửa lo tranh nướcBốn khẩu (口) liền nhau ghép chữ vàng.

Vua vỡ nhẽ, nức nở khen:

– Khanh đã giúp trẫm giải được điều có thể làm nhục đến quốc thể.

Hiểu ra ý tứ bài thơ, giới văn thần vô cùng khâm phục Mạc Đĩnh Chi.

Sứ nhà Nguyên càng kinh hoàng hơn. Bởi vì cũng chỉ ở nước Nam này, ý nghĩa bài thơ mới được khám phá.

Phần III – Mạc Đĩnh Chi đi sứ phương Bắc

Chuẩn bị cho cuộc đi sứ

Được vua Anh Tông cử đi sứ theo yêu cầu của vua Nguyên, Mạc Đĩnh Chi vửa vui lại vừa lo. Vui vì đây là lần đầu tiên Mạc Đĩnh Chi được vua giao cho trọng trách, được dịp đem thi thố những hiểu biết cống hiến cho dân nước. Lo vì nhà Nguyên là một triều đại lớn, chúng quen hống hách trịch thượng, nếu mình có gì sai sót thì điều ấy sẽ làm tổn hại đến danh dự một nước. Bao người đi sứ trước đã chẳng phải chống chọi với bao nhiêu thách đố tinh vi, bắt nguồn từ sự khinh thị của tầng lớp thống trị một nước lớn đối với nước nhỏ? Chẳng phải trong khi vua quan nhà Nguyên muốn đích ta phải đi sứ, họ vẫn xưng xưng gọi ta là bồi thần đó sao? Việc được giao nặng nề và khó khăn, nhưng chính vì thế Mạc Đĩnh Chi đã đón nhận trọng trách ấy một cách phấn chấn. Hơn thế nữa, việc đi sứ đã đặt cho Mạc Đĩnh Chi nhiều suy nghĩ. Mấy năm làm qua trong triều, được đi đây đó, nơi đâu chẳng có dấu vết bao cảnh tàn phá khủng khiếp của giặc Nguyên để lại. Ngay thành Thăng Long này, giặc Nguyên đã có lần san phẳng thành tro bụi tất cả. Ba lần giặc kéo sang xâm lược với binh hùng tướng mạnh, với những đội quân chưa hề nếm mùi chiến bại trên các nẻo đường chinh chiến, gây đau thương cho biết bao dân tộc, xứ sở. Nhưng đến nước Đại Việt này, cả ba lần quân Nguyên đều bị đánh cho thất điên bát đảo, phải tháo chạy như lũ chuột về nước. Vậy mà chúng vẫn thường hạch sách, bắt vua tôi nước Việt phải thuần phục chúng? Có thể nào lại vô lý như thế được? – Mạc Đĩnh Chi nhói lên căm giận – Chẳng lẽ kẻ ba lần đại bại lại dám cậy thế nước lớn, đòi quyền này quyền khác, bắt kẻ chiến thắng phải thần phục, theo thói lấy thịt đè người được sao? Chẳng hay thấy vua quan nhà Trần nhún nhường vì không muốn gây ra thảm họa binh đao nên nhà Nguyên ỷ thế làm già? Xuất phát từ những suy nghĩ ấy, Mạc Đĩnh Chi tự nhủ: trong lần đi xứ này, phải giữ vũng tư thế của người chiến thắng, chống lại những đối xử bất công và thái độ khinh thị nước nhỏ của nhà Nguyên. Hơn thế nữa, tiếng nói của đoàn sứ nước Đại Việt ở Triều Nguyên phải là tiếng nói đĩnh đạc của kẻ chiến thắng. Ta sẽ không gây ra sự căng thẳng dẫn đến mối hiềm khích giữa hai nước – Mạc Đĩnh Chi thầm nghĩ – cũng không tỏ ra yếu mềm trái với sĩ diện của một nước dù nhỏ, những đã lập nên kỳ công, đánh thắng kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. Trái lại, theo Mạc Đĩnh Chi, đi sứ lần này, chính là cuộc đấu trí, đấu lý để tuyên ngôn được dụng ý, nước Đại Việt và nước Nguyên đều hùng cứ một phương và chống lại mọi sự khinh miệt, cậy thế nước lớn của người Nguyên, giữ gìn quốc thể. Người đi sứ vì vậy, tựa như người lính đi xuất trận, phải tỉnh táo giáng trả mọi ngón đòn tinh vi từ mọi hướng, và mối bang giao hữu hảo giữa hai nước chỉ được kiến lập khi vua quan nhà Nguyên không dám coi thường nước Đại Việt.

Việc đi sứ đã vạch xong, thái độ đi sứ đã định rõ, Mạc Đĩnh Chi thấy thanh thản lạ thường. Chỉ còn một việc cuối cùng là tự bồi bổ cho mình kiến thức uyên thâm, làm lợi khí cho những cuộc đấu trí trước khi lên đường. Cả về mặt này nữa, Mạc Đĩnh Chi cũng không dám coi thường. Vì vậy, mấy tháng ròng Mạc Đĩnh Chi không mấy khi rời khỏi nhà. Đĩnh Chi để toàn sức vào việc ôn luyện văn thơ, đọc kinh sử nước Nguyên, tìm hiểu phong tục người Nguyên. Rồi, biết ai từng đi sứ, dù xa mấy, Mạc Đĩnh Chi cũng tìm đến hỏi điều hay lẽ phải cho bằng được.

Gần đến ngày đi sứ, vua Anh Tông cho vời Mạc Đĩnh Chi vào triều căn dặn:

– Lần này hoàng đế nhà Nguyên muốn trẫm cử khanh đi sứ chắc là muốn để thử tài khanh. Trẫm yên lòng vì biết khanh để công khó nhọc luyện tập văn sách, phòng khi phải dùng đến. Tuy thế, chuyến đi này khanh phải cẩn thận lắm mới được. Đừng mềm quá người ta lên mặt cũng đừng thái quá sợ tổn hại đến mối bang giao giữa hai nước. Giao cho khanh việc lớn là để khanh đền ơn và báo ơn cho trẫm đó!

Mạc Đĩnh Chi cung kính đáp:

– Muôn tâu vương thượng! Việc học không biết bao nhiêu cho đủ. Nhưng thần xin gắng hết sức để khỏi phụ lòng tin của vương thượng. Thần đã nghĩ kỹ rồi – Đĩnh Chi tiếp, sau một khắc yên lặng – ta là nước thắng trận, cho nên trong mọi việc, ta phải giữ được tư thế đường hoàng của người thắng trận.

Vua Anh Tông không giấu được niềm vui:

– Khanh sẽ làm rạng thanh danh nước Đại Việt đúng tầm vóc của nó. Ta tin nơi khanh vì khanh đã nói tới lẽ ấy.

Mạc Đĩnh Chi lui rồi, vua Anh Tông nói với quần thần:

– Ta nghiệm rằng Mạc Đĩnh Chi nhỏ bé nhưng lúc nào cũng giữ được phong độ ung dung, thư thái. Con người mẫn tiệp ấy sẽ lưu được tiếng thơm ở nước người. Các khanh có nghĩ như trẫm không?

Quần thần văn võ đều đáp:

– Chọn đi sứ lần này không ai hơn được quan trạng.

Câu đối ở của Pha Lũy

Sau bao ngày hành trình, đoàn sứ Đại Việt do Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu đã đến ải Pha Lũy [12]. Rủi thay, gặp ngày mưa to gió lớn nên đoàn sứ đến cửa ải sai hẹn với viên quan coi ải của nhà Nguyên. Đoàn sứ đến, cửa ải đã bị đóng kín. Mạc Đĩnh Chi nói mãi, người Nguyên vẫn không chịu cho qua. Sau, họ vứt từ trên ải xuống một vế câu đối, bảo hễ Mạc Đĩnh Chi đối được thì mới mở cửa ải:

Xem thêm:  Bao sái bàn thờ trước hay cúng ông Công ông Táo trước?

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.(Nghĩa là: Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan).

Thật là một câu đối hiểm hóc. Trong 11 chữ mà riêng chữ quan nhắc lại bốn lần, chữ quá nhắc lại ba lần. Chưa chi bọn quan nhà Nguyên đã cố tình thách đố, gây khó dễ. Mạc Đĩnh Chi thầm nghĩ và toát mồ hôi vì thấy rõ vế đối rất khó, không thể nghĩ ra trong chốc lát được. Hẳn rằng đây là một câu đối có chuẩn bị của một văn quan nào đó trong triều đình nhà Nguyên. Nếu vậy, chắc gì viên quan võ này đã đối được. Mạc Đĩnh Chi thích thú với giả định ấy. Và, để dồn đối phương vào thế bí không thể tránh khỏi, Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đọc:

– Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.(Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước).

Tình thế bỗng đổi khác. Tưởng đã bí thế mà lại hóa ra một câu đối hay. Viên quan nhà Nguyên chịu là vị trạng nguyên đất Việt có tài ứng biến đã chuyển bại thành thắng nên tập tức xuống mở cửa ải, ân cần ra đón Mạc Đĩnh Chi.

Vua Nguyên thử tài sứ thần Đại Việt

Tin viên bồi thần nước Đại Việt, trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, đã phá được câu đối ở cửa Pha Lũy khiến cho vua và giới văn thần triều Nguyên hết sức chú ý. Vì vậy, vua quan nhà Nguyên vừa có ý gờm vừa chuẩn bị có dịp để làm nhục viên sứ nước Đại Việt cho hả giận.

Ngay hôm đầu vào bệ kiến, vua Nguyên muốn đích thân thử tài Mạc Đĩnh Chi, nhân thể dò khí tiết của viên sứ, nên đã ra câu đối:

Nhật: hỏa, – vân: yên, bạch đản thiêu tàn ngọc thỏ.(Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vừng trăng).

Biết là vua Nguyên kiêu căng, tự coi mình là mặt trời và coi Đại Việt như mặt trăng, ban ngày phải bị mặt trời thôn tính, Mạc Đĩnh Chi thấy cần phải tỏ rõ thái độ của mình. Hơn thế nữa phải khẳng định nước Đại Việt ở thế thắng nên ứng khẩu đọc ngay:

Nguyệt: cung, – tinh: đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô.(Nghĩa là: trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời).

Thật là một câu đối sắc như lưỡi kiếm, đầy khí phách của kẻ chiến thắng mà lại rất chỉnh. Vua Nguyên thấy mình bị trả miếng rất đau, nhưng cũng hết sức phục tài viên sứ nước Đại Việt. Vì vậy, vua tỏ ra vui vẻ:

– Quả là danh bất hư truyền. Lời đồn đại về tài năng của ngươi thật chẳng ngoa.

Nói rồi, vua Nguyên sai ban rượu ngon và lệnh cho viên nội giám xuất nhiều vàng bạc trong kho để tặng thưởng cho Mạc Đĩnh Chi.

Trước lúc ra về, vua Nguyên làm như chợt nhớ ra điều gì, vội hỏi:

– Ta nghe nói trước chỉ vì một bài thơ của sứ thần ta mà cả triều đình vua Trần phải bó tay, không giải được. Vì lẽ đó, vua Trần buộc phải nhờ đến nhà ngươi, trọng dụng nhà ngươi và xí xóa hiềm khích cũ, chuyện ấy có không?

Mạc Đĩnh Chi thanh thản đáp:

– Tâu bệ hạ! Giải nghĩa một bài thơ là phận của bề tôi chứ đâu phải là việc của vua. Huống chi thần mới đỗ trạng, giao cho thần luận giải bài thơ chỉ là vì vua muốn xem học vấn của thần đến đâu mà thôi.

Vua Nguyên thấy không dễ lung lạc được Mạc Đĩnh Chi nên bỏ dở câu chuyện không hỏi tiếp.

Bản lĩnh của sứ thần Đại Việt

Đoàn sức Đại Việt được nghỉ mấy ngày để đi xem phong cảnh thành Biện Kinh cổ kính, trước khi vào phủ tể tướng. Mạc Đĩnh Chi và đoàn sứ đã đi khắp đó đây và dừng lại không biết bao lần, ngắm xem vẻ đẹp lộng lẫy của khu hoàng thành. Nguyên Thế Tổ sau khi chiếm được nước Tống đã tập trung về đây những thợ kiến trúc giỏi nhất để sửa chữa, tu bổ lại kinh thành, biến Biện Kinh thành một hòn ngọc của cả vùng. Tại Biện Kinh cũng như trong cuộc hành trình dài ngày trên đất Tống, Mạc Đĩnh Chi đã gặp gỡ tiếp xúc với bao nhiêu người Tống. Nhân dân Tống đã đón tiếp đoàn sứ thân thiện và bày tỏ mối cảm thông sâu sắc, chân thành đối với người dân Đại Việt, những người từng chống kẻ thù chung là giặc Nguyên. Họ không giấu được niềm vui mừng trước kỳ công của người dân Đại Việt đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên và hứa hẹn sẽ có ngày dấy cờ nghĩa đánh đuổi bọn giặc đang giày xéo, hãm dân tộc họ vào vòng lầm than. Ngược lại, tự coi mình là những người anh em, Mạc Đĩnh Chi và đoàn sứ Đại Việt trước sau đều bày tỏ lòng kính trọng và thông cảm nỗi khó khăn mà người Tống đang chịu đựng. Bằng những cuộc tiếp xúc ấy, Mạc Đĩnh Chi thẫy rõ, chỉ có bọn vua quan nhà Nguyên và những người Tống cam tâm giở giáo đón giặc, mới có ác cảm với dân chúng Đại Việt. Mạc Đĩnh Chi không thể nào quên được chuyện đụng độ với tên quan người Tống chiều hôm trước. Lúc ấy, Mạc Đĩnh Chi và đoàn sứ đang cưỡi lừa đi thăm hàng phố, thì bỗng lừa Mạc Đĩnh Chi chạm phải ngựa của viên quan người Tống. Tên quan nhìn Mạc Đĩnh Chi bằng nửa con mắt và đọc một câu tỏ rõ sự khinh thị:

Xúc ngã kỵ mã, Đông di chi nhân giả, Tây di chi nhân giả.(Nghĩa là: Chạm ngựa ta cưỡi là người rợ phương Đông hay phương Tây?)

À, gã này không biết thân biết phận, không biết xấu hổ phải ăn cơm thừa của người Nguyên lại còn lấy chữ “Đông di” ở sách Mạnh Tử, tỏ ý khinh rẻ, cho ta là kẻ mọi rợ, man di sao? Mạc Đĩnh Chi tự hỏi. Và trong cơn giận không kìm được, Mạc Đĩnh Chi nhìn thẳng vào mặt tên quan, đáp:

Át dư thừa lư, Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư?(Nghĩa là: Ngăn lừa ta ngồi, hỏi người phương Nam mạnh hay người phương Bắc mạnh?)

Mạc Đĩnh Chi rất hài lòng về câu đối ấy, vì chữ “Nam phương” lấy ở sách Trung Dung đã nói rõ thâm ý người phương Bắc chắc gì đã mạnh hơn người phương Nam. Nếu mạnh hơn sao lại chịu để cho giặc Nguyên đô hộ?

Viên quan người Tống tỏ ý xấu hổ, ra roi cho ngựa đi thẳng không dám hoạnh họe gì nữa.

Cuộc đấu trí của Mạc Đĩnh Chi với các văn thần nhà Nguyên

Cái ngày vào phủ tể tướng, nơi mà Mạc Đĩnh Chi biết trước sẽ phải đấu trí với tinh hoa của giới văn thần triều Nguyên thấm thoát đã đến. Mặc dù Mạc Đĩnh Chi định bụng sẽ kết giao, giữ tình thân thiện với giới văn thần triều Nguyên, nhưng vị trạng nguyên Đại Việt không dễ làm được điều ấy.

Ngay từ lúc mới bước vào phủ, thấy bức tranh thêu con chim sẻ đậu trên bụi trúc tuyệt đẹp. Mạc Đĩnh Chi xô lại ngắm nghĩa mãi không thôi [13]. Nhưng sao bức trướng có cái gì trái cựa thế này? Sao không phải là bức vẽ cành mai chim sẻ mà lại là cành trúc chim sẻ. Mải suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi không biết vị tể tướng triều Nguyên và những người ở đó cười chế giễu mình tự lúc nào: Được, cứ cho ta là quê mùa đi – Mạc Đĩnh Chi thầm nhủ – ta sẽ mở mắt cho các ngươi. Nghĩ thế, Mạc Đĩnh Chi thản nhiên đến xé toạc bức trướng. Người Nguyên chưa hết ngạc nhiên, Mạc Đĩnh Chi đã chậm rãi biện luận:

– Từ xưa, tôi chỉ nghe nói có “mai tước hoa” (Bức vẽ cành mai chim sẻ) chứ chưa hề nghe nói đến “trúc tước họa” (bức vẽ cành trúc chim sẻ). Nay tể tướng lại để bức trướng “trúc tước họa”, “trúc” là quân tử, “tước” là tiểu nhân; làm như vậy là để tiểu nhân lên trên quân tử, tôi e rằng cái đạo tiểu nhân sẽ ngày một rộng rỡ, mà cái đạo quân tử sẽ ngày một tiêu tan. Cho nên tôi phải vì thiên triều mà trừ trước cái mầm họa ấy đi.

Sau giây phút im lặng căng thẳng, một văn thần thì thầm nói với viên tể tướng: “Quan tể tướng đã thấy chưa, hắn có tài biện luận chuyển bại thành thắng đúng như lời đồn đại lâu nay, ta không dễ bắt bẻ được. Nhưng hắn sẽ chết vì câu đối của tôi”. Nói rồi, viên quan văn ấy đứng lên, hướng về phía Mạc Đĩnh Chi:

– Tôi nghe lời biện luận của ngài trạng nguyên cũng thấy có lý. Ngài rõ là một người biết ứng biện trong mọi việc, thật đáng khen thay. Nghe nói ngài còn là bậc văn chương siêu việt. Vậy xin ngài đối giùm một vế – Viên quan tủm tỉm cười rồi đọc:

– Lỵ, Mỵ, Võng, Lượng, tứ tiểu quỷ.(Nghĩa là: Các chữ Lỵ, Mỵ, Võng, Lượng là bốn con quỷ nhỏ).

Thấy viên quan người Nguyên dùng lời lẽ trịch thượng, chê mình xấu xí nên lôi họ hàng nhà quỷ ra để giễu cợt. Mạc Đĩnh Chi giận lắm. Tuy thế, Đĩnh Chi vẫn làm ra bộ tươi cười, đối lại ngay rằng:

– Cầm, Sắt, Tỳ, Bà, bát đại vương.(Nghĩa là: Những chữ Cầm, Sắt, Tỳ, Bà có 8 chữ vương lớn ở trên, đồng thời cũng là tên 4 loại đàn).

Giới văn thần triều Nguyên kinh ngạc trước câu đối rất chọi mà còn có tính cách “ăn miếng trả miếng” thật tài tình của Mạc Đĩnh Chi: Các người khinh ta là tiểu quỷ, nhưng ta chính là đại vương đây. Không dồn được Mạc Đĩnh Chi vào thế bí bằng câu đối, sau bao ngày nghiền ngẫm, viên quan nhà Nguyên thực sự phục tài Mạc Đĩnh Chi, không còn dám khinh là xấu xí, quên mùa nữa.

Nhưng thua keo này bày keo khác, các quan lại nhà Nguyên lại xúm xít đề ra hàng loạt câu đối chiết tự để thách thức Mạc Đĩnh Chi. Một viên quan phong độ nho nhã ra một câu đối:

– An, nữ khứ, thỉ nhập, vi gia.(Nghĩa là: Chữ an bỏ chữ nữ thay chữ thỉ vào là chữ gia).

Trước khi đi sứ, Mạc Đĩnh Chi đã dầy công ôn luyện lại loại câu đối này nên câu này tuồng như Đĩnh Chi cho là quá dễ, không cần nghĩ ngợi đáp:

– Tù, nhân xuất, vương lai, thành quốc.(Nghĩa là: Chữ tù bỏ chữ nhân thêm chữ vương thành chữ quốc).

Người Nguyên tuy biết câu đối của Mạc Đĩnh Chi vừa chọi, vừa có khí phách, mà lại hàm ý ngạo mạn ở bên trong: lấy chữ “vương” là vua đối cho chữ “thỉ” là lợn. Nhưng ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi, xuýt xoa khen ngợi mãi.

Thấy Mạc Đĩnh Chi mấy lần đối trôi chảy phản ứng nhanh nhạy, áp đảo được mọi người, viên quan nhà Nguyên khác lại ra câu nữa:

– Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu.(Nghĩa là: Ghép chữ thập, chữ khẩ,u chữ tâm thì thành chữ tư là lo, lo nước, lo nhà, lo bố mẹ).

Cũng rất bất ngờ, viên quan nhà Nguyên vừa đọc xong Mạc Đĩnh Chi đã lên tiếng đối rằng:

– Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương.(Nghĩa là: Ghép chữ thốn, chữ thân, chữ ngôn, thì thành chữ tạ là ơn, ơn trời, ơn đất, ơn vua chúa).

Đến lúc này, giới quan lại triều Nguyên chỉ còn biết bày tỏ sự khâm phục trước tài học uyên bác và trí thông minh tuyệt vời của Mạc Đĩnh Chi. Chính viên tể tướng triều Nguyên, người bày ra cuộc thách đố ác ý này đã bị Mạc Đĩnh Chi giáng trả những đòn đau điếng. Hơn thế nữa, tài năng của vị trạng nguyên nước Đại Việt đã khiến cho viên tể tướng không giấu được sự kinh ngạc:

– Ngài quả là bậc kỳ tài. Người ra câu đối đã giỏi, người đối lại càng giỏi hơn. Tựu trung, toàn là những tay cự nho cả.

Các văn thần triều Nguyên có mặt trong buổi ấy bị tài năng của Mạc Đĩnh Chi thu phục đã bỏ qua mối hiềm khích thâm căn cố đế, để vây quanh viên sứ nước Đại Việt tiếp tục bàn luận chuyện văn chương một cách thân ái.

Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Thấm thoát đã đến ngày đoàn sứ Đại Việt sắp lên đường về nước. Nhân dịp ấy, Nguyên Thành Tổ lại cho vời Mạc Đĩnh Chi vào cung mình dự tiệc. Cùng dự tiệc hôm ấy còn có sứ thần của nhiều nước. Vốn hâm mộ tài năng xuất chúng của Mạc Đĩnh Chi, nhân một sứ thần dân cho mình quạt quý, vua Nguyên bảo Mạc Đĩnh Chi và sứ Cao Ly làm thơ đề quạt.

Làm thơ vịnh theo kiểu này là ngón sở trường của Mạc Đĩnh Chi nên Đĩnh Chi rất yên lòng. Vấn đề là phải lấy từ tích nào để có ý hay lời đẹp hàm nghĩa uẩn súc. Mạc Đĩnh Chi còn đang loay hoay tìm ý chọn lời, thì sứ Cao Ly đã cầm bút viết thoăn thoắt.

Mạc Đĩnh Chi chẳng nóng lòng, suy nghĩ cho chín hơn và bình tĩnh cầm bút viết luôn một mạch:

– Lưu kim thước thạch, thiên địa vị lôNhĩ tư thời hề, Y, Chu cự nhu (nho).Bắc phong kỳ lương, tuyết vũ tái đồNhĩ tư thời hề, Di, Tề ngã phu.Y! Dung chi tắc hành, xả chi tắc tàngDuy ngã dự nhĩ hữu thị phù.

Nghĩa là:

Chảy vàng tan đá, trời đất là lò lửaNgười lúc ấy như Y Doãn, Chu Công là những bậc cự nho.Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết đầy đườngNgười lúc ấy như Bá Di, Thúc Tề là những ông già chết đuối.Ôi! Dùng thì chuyên tay, bỏ thì xếp xóChỉ có ta với người là như thế chăng?

Bài thơ của Mạc Đĩnh Chi xong trước sứ Cao Ly. Nguyên Thành Tổ xem rồi nức nở khen mãi. Vua Nguyên thực sự khâm phục tài năng viên sứ nước Đại Việt, hơn thế nữa, lại càng quý mến con người có hình thù xấu xí ấy. Được nghe lại bao lời đối đáp của Mạc Đĩnh Chi, tuy biết viên sứ này đôi lúc trả miếng lại người Nguyên rất thâm thúy nhất là lúc nào cũng giữ phong độ ung dung đối đáp cứng cáp trái với ý muốn của mình, nhưng đó là cung cách con người biết giữ gìn quốc thế, không dễ bắt bẻ được. Chính là Nguyên Thành Tổ tiếc rằng mình thiếu một bề tôi có tài năng, có khí phách và linh lợi như thế. Nghĩ vậy, nên sau khi nức nở khen ngợi Mạc Đĩnh Chi, Nguyên Thành Tổ không do dự phê vào bài 4 chữ “Lưỡng quốc trạng nguyên” và tự tay trao văn bằng cho Mạc Đĩnh Chi. Vua trìu mến nói:

Xem thêm:  Nelson Mandela là ai? Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi?

– Tài năng của nhà ngươi, bản triều ta không dễ có người sánh được. Cũng chỉ ở nước Đại Việt mới có được những viên sứ như nhà ngươi.

Phần IV – Những năm tháng quan trường của Lưỡng quốc trạng nguyên

Vua Trần mộ đạo, bỏ bê việc triều chính

Sau chuyến đi sứ, Mạc Đĩnh Chi đã thực sự chiếm được lòng tin của vua Anh Tông. Vua đã vì cái công đi sứ khó nhọc làm vẻ vang cho nước mà cất nhắc Mạc Đĩnh Chi lên địa vị xứng đáng: quan Ngự sử. Tên tuổi của vị lưỡng quốc trạng nguyên cũng từ đó được cả nước yêu mến, hâm mộ.

Nhưng lúc ấy, bọn quý tộc và quan lại nhà Trần xoay ra chơi bời hưởng lạc. Ở các thái ấp của bọn quan lại nhà Trần thường ngày đêm ca xướng yến tiệc. Vua Anh Tông về cuối đời, cũng bắt đầu nảy sinh tấm lòng mộ đạo. Vua đã xuất không biết bao nhiêu công quỹ để xây dựng chùa chiền, đúc chuông, đúc đỉnh. Chẳng tháng nào, ông vua mộ đạo ấy lại không đi thăm chùa này, chùa khác; có lúc vua còn tụ họp các nhà sư ở chùa Yên Tử để đọc sách Phật, phó mặc triều đình cho bọn đại thần [14].

Đứng trước cảnh ấy, Mạc Đĩnh Chi đã bao lần can gián vua nhưng không được. Gặp năm lũ lụt, dân đói kém phiêu dạt đầy đường, Mạc Đĩnh Chi đập đầu tâu vua:

– Nước thịnh là ở chỗ vua cùng quần thần biết chăm lo đến sức dân, thương dân như con. Nay gặp cảnh mưa lụt mất mùa, nếu vương thượng không sửa việc nhân đức, phó mặc triều chính cho các đại thần không biết thương dân, thì tránh sao khỏi tiếng oán than của dân chúng.

Vua Anh Tông lộ rõ sự khó chịu:

– Trẫm và bọn đại thần làm gì để dân chúng kêu than?

Thấy rõ lúc này nếu tiếp tục can vua sẽ không được lòng vua. Nhưng nếu không tâu hết sự thực, thì cứ đà này, dân sẽ ra sao? Nước sẽ đi đến đâu? Mạc Đĩnh Chi đã chẳng tận mắt nhìn cảnh dân chạy lụt nheo nhóc, khổ sở đầy đường đó sao! Chính cảnh thê thảm ấy đã giúp Mạc Đĩnh Chi thêm dũng khí, đáp:

– Muôn tâu vương thượng! Nước là của vua, dân chúng không phân biệt sang hèn, đều là thần dân của vua. Nước thịnh dân giàu hay nước suy dân khổ cũng từ vua mà nên.

Vua mếch lòng nhưng nghe Mạc Đĩnh Chi nó có lý nên không bắt bẻ được. Và, cũng là cách để trừng phạt Mạc Đĩnh Chi, vua Anh Tông giao cho Mạc Đĩnh Chi thêm chức quan trông coi việc hộ đê.

Mạc Đĩnh Chi nhận trọng trách mới một cách vui vẻ. Chỉ mấy ngày sau, Đĩnh Chi đã rời kinh đô, thân đến miền lũ lụt nặng nhất ở Chương Mỹ [15]. Mạc Đĩnh Chi đã huy động dân chúng khẩn cấp hàn đê, úy lao, cứu giúp dân bị nạn và lo khôi phục lại mùa màng. Thấy Mạc Đĩnh Chi ngày ngày đều có mặt trên đê, bọn quan lại ở lộ, phủ cũng không dám chểnh mảng. Dân chúng càng phấn chấn hơn vì thấy triều đình để mắt tới; hơn thế nữa, còn cứu giúp những gia đình thiệt hại, một việc xưa nay chưa từng có, nên ai nấy đều dốc sức cho việc hàn đê. Dân cảm cái công ấy, coi Mạc Đĩnh Chi như người ân nhân đã cải tử hoàn sinh cho họ. Rồi nơi nào có đê vỡ, nơi ấy có Mạc Đĩnh Chi. Nơi nào bọn quan lại lơ là việc phụ đê, hộ đê, Mạc Đĩnh Chi đều xử phạt để nêu gương. Phe cánh quan tư đồ Trần Trung Hoài vốn không thích Mạc Đĩnh Chi, nhân đó đã xúc xiểm, tâu vua:

– Mạc Đĩnh Chi lâu nay cậy có công sinh ra kiêu ngạo, tự ý xử mọi việc, gia ân báo oán tùy ý, không coi ai ra gì. Xin vương thượng cho triệu hắn về.

Vua Anh Tông tin lời bọn Trần Trung Hoài, đã xuống chỉ, triệu Mạc Đĩnh Chi hồi triều.

Gian thần Trần Trung Hoài

Mạc Đĩnh Chi vẫn giữ chức Ngự sử nhưng trong lòng không vui. Bọn Trần Trung Hoài được vua trao cho quyền bính, mặc sức lộng hành, tha hồ vơ vét làm giàu. Bọn chúng chẳng những không can vua đừng bỏ nhiều tiền của công sức của dân xây am Ngọa Vân [16] thì chớ lại còn một mực tâng bốc, coi việc vua xây am là việc nghĩa, nên làm. Trong hoàn cảnh ấy, dù biết việc mình làm sẽ gây nên thù oán, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng Mạc Đĩnh Chi đã dân sớ can vua và tố cáo bọn Hoài lũng đoạn triều chính. Nhưng ông vua say đạo đã bỏ qua lời can gián ấy và tỏ ra không còn mặn mà với Mạc Đĩnh Chi nữa. Được dịp phe cánh Trần Trung Hoài tìm mọi cách hãm hại Mạc Đĩnh Chi. Hoài tâu với vua:

– Mạc Đĩnh Chi xuất thân hèn hạ. Nay được vương thượng tin dùng không lấy đó làm ơn lại còn hay dòm dò vào việc triều chính, gây bè phái mưu hại lẫn nhau. Từ khi làm quan hộ đê, cậy có chút công, đã mặc sức vơ vét của cải của dân để xây dựng một dinh cơ cực kỳ sang trọng ở Lũng Động. Ngày ngày, ở nhà hắn, rầm rập người vào ra không rõ bàn luận những chuyện gì. Nếu vương thượng không chặn trước thì sao gọi là một ông vua anh minh được!

Chưa đến nỗi mê muội trong mọi việc, vua Anh Tông nửa tin nửa ngờ, bảo Trần Trung Hoài:

– Trẫm chưa thấy ai kêu ca hắn ngoài lũ người. Nhưng việc này ta sẽ cho tra xét.

Nhưng công việc chưa tiến hành thì vua Anh Tông đã mất [17].

Minh Tông lên ngôi, cử tâm phúc xem xét lời xàm tấu

Con thứ tư vua Anh Tông tên là Mạnh lên nối ngôi cha lấy hiệu là Minh Tông [18]. Minh Tông tuy trẻ nhưng là người có tài. Khác với vua cha, Minh Tông chăm lo đến chính sự biết cất dùng văn nho nên kén được nhiều nhân tài giúp.

Lợi dụng lúc Minh Tông mới lên ngôi vua, bọn Trần Trung Hoài lại xúc xiểm ton hót tìm cách hại Mạc Đĩnh Chi. Chúng muốn nhổ ngay cái gai thường ngăn cản chúng để dễ bề thao túng triều đình.

Nhưng nghe chúng tâu, vua Minh Tông không tỏ rõ thái độ của mình. Tuy thế, vốn tính thận trọng. Minh Tông đã cho vời một viên quan tâm phúc vào cung nói:

– Đức của vua là không được thưởng bậy vì tư ân, phạt bừa vì tư nộ. Trẫm nghe quan Tư đồ tâu rằng quan Ngự sử Mạc Đĩnh Chi vơ vét của dân để xây dinh cơ ở Lũng Động. Trẫm không tin việc đó, nhưng lại không muốn làm mất hòa khí giữa các quần thần. Khanh đi xem xét sự việc rồi cho trẫm hay.

Nửa tháng sau viên quan đó về tâu với vua rằng:

– Thần đã về Lũng Động, nhân thể thăm dò cả dân tình nơi ấy. Ở đây không có dinh cơ nào của Mạc Đĩnh Chi mà chỉ có một ngôi nhà mồ mà quan Ngự sử xây cho mẹ. Của cái có gì đáng gọi là tốn phí? Dân ở đó ai cũng một mực khen ngợi quan Ngự sử hiếu thảo và biết thương yêu dân chúng. Ngay ở Kinh đô, Mạc Đĩnh Chi cũng sống thanh đạm như một viên tiểu quan vậy. Không làm gì có người vào ra nườm nượp ở nhà qua Ngự sử như lời tâu của quan Tư đồ. Thần sợ trong lời tâu ấy có điều gì ám muội chăng?

Vua tỏ ra vui vẻ:

– Trẫm cũng ngờ rằng bọn Hoài vu cáo làm vậy, chứ tính khí Mạc Đĩnh Chi trẫm vẫn có bụng yêu mến từ lâu – ngừng lại một lát, vua tiếp – Khanh hãy vì trẫm làm thêm một việc nữa, âu cũng là cách thử xem ai ngay ai tà, để trẫm có thể phán xử được công bằng. Nhưng việc này khanh phải hết sức khéo léo mới được.

Nói rồi vua cho viên quan được đến gần để dặn dò công việc.

Nhân cách của quan Ngự sử và quan Tư đồ

Sáng ấy, Mạc Đĩnh Chi vào chầu vua theo thường lệ, nhưng nét mặt lộ rõ vẻ bàng hoàng. Thấy vậy, vua Minh Tông hỏi:

– Quan Ngự sử trong người không được khỏe hay sao mà có dáng không thanh thản làm vậy?

– Muôn tâu vương thượng – Mạc Đĩnh Chi vội đáp – Thật là lạ, đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần 10 quan tiền và một số đồ quý [18]. Thần ngờ rằng của cải ấy là do một người nào đấy định đút lót mà thần chưa nghĩ ra. Vậy thần đem tới đây để tân vương thượng rõ.

– Khanh có khó nhọc giúp người ta thì người ta mới cho như thế. Vậy khanh cứ coi những vật đó là của mình cũng được chứ sao?

– Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến – Mạc Đĩnh Chi khẳng khái đáp.

Vua giữ lại tiền và các đồ vật ấy rồi cho Mạc Đĩnh Chi lui. Vua nói với viên quan tâm phúc:

– Lòng quan Ngự sử thật là ngay. Con người như thế sao lại dám gán bừa là ăn hối lộ được. Trẫm đã xét rõ được một người.

Vua lại cho quan Tư đồ Trần Trung Hoài vào triều hỏi:

– Khanh có việc gì cần tâu trình không?

Trần Trung Hoài ngần ngừ chưa kịp đáp, vua lại hỏi tiếp:

– Chắc khanh không được khỏe nên coi bộ không vui. Nếu không có việc gì thì cho khanh lui.

Trần Trung Hoài nghĩ: nếu không nhân dịp này trừ Mạc Đĩnh Chi đi thì về sau sẽ rất khó. Vì vậy, hắn khệ nệ tiến lên mấy bước rồi quỳ xuống, đáp:

– Muôn tâu vương thượng! Mọi việc thần làm vẫn thông đồng bén giọt. Có điều dân tình hiện vẫn kêu ca nhiều về quan Ngự sử. Đêm qua tại tư gia quan Ngự sử lại thấy tụ tập quá nhiều người, không biết để làm gì?

Thấy đã có đủ tang chứng về việc tố giác mưu hại lẫn nhau giữa quan Tư đồ và quan Ngự sử, Minh Tông nét mặt hầm hầm, bảo Trần Trung Hoài:

– Đã bao năm, ngươi giữ trọng trách nhưng lại không nghĩ đến việc thờ vua giúp nước mà chỉ lo bòn vét cho nhiều. Chẳng những thế, ngươi lại còn mưu hại người chính trực như quan Ngự sử, gây bè phái, rũ rối triều đình. Ta đã vì ích nước mà để mắt xem xét lời tố giác của ngươi cùng cung cách làm việc của lũ các ngươi. Té ra quan Ngự sử là người thẳng thắn, liêm khiết. Ngược lại bọn văn dốt vũ dát, chuyên dối trên lừa dưới, ăn hối lộ, lo làm giàu lại chính là lũ ngươi. Đêm qua ta đã cho người bỏ vào nhà ngươi và quan Ngự sử những số tiền lớn. Nhưng quan Ngự sử thì trả lại, còn ngươi thì ỉm đi. Thế là nghĩa làm sao?

Trần Trung Hoài không ngờ sự thể lại như thế. Nhưng hối hận cũng đã muộn. Số tiền và các đồ vật quý của vua hắn đã cất kỹ ở trong kho của mình. Thấy vua đã khám phá ra tông tích mình. Trần Trung Hoài sợ hãi mặt tái đi như gà bị cắt tiết. Thường ngày hắn ăn to nói lớn là thế, mà lúc này, cứ đứng trơ ra, thuộn mặt không cãi được câu nào. Hắn lấm lét nhìn vua rồi nặng nề đứng lên, vác cái bụng gần vượt qua mặt lùi dần lùi dần. Cuối cùng, cả cái cây thịt đồ sộ ấy đổ sụp xuống.

Lập tức vua Minh Tông cách chức Trần Trung Hoài và giao cho hình quan xét xử tội Hoài và đồng bọn. Cũng ngày hôm ấy, vua thăng cho Mạc Đĩnh Chi chức Nhập nội hành khiển. Việc làm thận trọng nhưng cương quyết của vua Minh Tông đã được giới văn võ bá quan triều đình hả lòng hả dạ. Do vậy ai nấy đều hết lòng vì vua vì nước. Mạc Đĩnh Chi lại càng phấn chấn hơn, vì mối oan của mình đã được giãi bày. Hơn thế nữa, ở chức vị mới, Mạc Đĩnh Chi có thể thi triển được tài năng, có dịp thực hiện được hoài bão làm cho nước thịnh dân giàu.

Chuyện kể Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – LichSu.OrgTheo Quỳnh Cư

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật

Chú thích trong truyện Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

  1. Từ năm 1246, vua Trần Thái Tông quy định cứ 7 năm tổ chức một kỳ thi kén người hiền tài.
  2. Ý nói Thám Hoa.
  3. Lễ xướng danh.
  4. Làm vua từ năm 1292 đến 1214.
  5. Nguyên văn chữ Hán, xem Việt điện kỳ văn hợp lục. Phần dịch này theo Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch trong “Giai thoại văn hóa Việt Nam”.
  6. Đào trần, lý tục: Do câu thơ cổ “Đào lý mãn sơn tông thô tục” (Hoa đào hoa mận đầu núi đều là thứ thô tục).
  7. Cầu kỷ phòng Tăng: cầu kỷ là tên một cây thuốc. Đời Đường, Lưu Vũ Tịch vịnh cây cầu kỷ có câu: “Tăng phòng dược thụ y hàn tỉnh” (Cây thuốc của nhà chùa nương bên giếng lạnh).
  8. Mẫu đơn đất Lạc: Đất Lạc Dương (Trung Quốc) là nơi có hoa mẫu đơn đẹp nhất, nên cũng thường gọi là hoa Lạc Dương.
  9. Giậu Đào Lệnh: Đào Lệnh tức Đào Tiềm đời Tấn, làm quan lệnh ở Bành Trạch. Thơ Đào Tiềm có câu: “Thái cúc đông lý hạ” (hái hoa cúc ở dưới giậu phía đông).
  10. Vườn Linh Quân: Khuất Nguyên tên chữ là Linh Quân. Thiên Ly tao của Khuất Nguyên có câu: “Dư ký tư lan chi cửu uyển hề, hữu thụ huệ chi bách mẫu” (Ta tưới hoa lan chín uyển lại trồng hoa huệ trăm mẫu). Một uyển bằng 30 mẫu Trung Quốc đời xưa.
  11. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, phần viết về Mạc Đĩnh Chi.
  12. Nay là Hữu nghị quan.
  13. Giai thoại ta ghi rằng Mạc Đĩnh Chi tưởng là chim sẻ thật liền chạy tới vồ. Lẽ nào Mạc Đĩnh Chi lại có sự nhầm lẫn ngớ ngẩn ấy.
  14. Theo Lịch Triều Hiến Chương loại chí.
  15. Chương Mỹ thuộc phủ Ứng Thiên, lộ Sơn Nam nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
  16. Chính sử ghi vua Anh Tông xây am Ngọa Vân làm nhọc sức dân vô kể.
  17. Năm 1314.
  18. Minh Tông ở vua từ 1314 đến 1329.
  19. Theo Lịch triều hiến chương loại chí: Vua Minh Tông cho người bỏ tiền vào nhà Mạc Đĩnh Chi để thử thách đức liêm khiết của ông.

Những câu chuyện kể về danh nhân Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, có rất nhiều các bậc danh nhân nổi tiếng được người dân yêu mến, kính trọng, lập đền thờ tưởng nhớ. Những câu chuyện về họ đôi khi được truyền thuyết hóa thành những câu chuyện dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Để giúp các bạn có cái nhìn sâu hơn về lịch sử của dân tộc, LichSu.Org xin giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện kể về các bậc danh nhân Việt Nam vô cùng hấp dẫn qua từng giai đoạn lịch sử.

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.