Học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về Luan chinh tri chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Học tập lý luận chính trị là quá trình được truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ. Hiện nay, đào tạo lý luận chính trị gồm 3 cấp: sơ cấp, trung cấp và cao cấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế; không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi… Người yêu cầu, về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác – Lênin và phải xem giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng. Người nhấn mạnh, Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận…; Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thực hiện tốt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn… Người cũng đồng thời yêu cầu phải chống giáo điều, chống bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập lý luận chính trị và vận dụng tri trức lý luận vào thực tiễn…

Đảng ta cũng xác định rõ, đào tạo lý luận chính trị phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ gắn với quy định của Đảng về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan trong đào tạo lý luận chính trị. Đồng thời, học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Xem thêm:  Viết đoạn văn suy nghĩ về lối sống đẹp (13 Mẫu) - Download.vn

Điều này có nghĩa rằng, đào tạo lý luận chính trị gắn liền với công tác cán bộ, bởi có đào tạo thì mới đủ chuẩn về lý luận chính trị, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ nói chung và theo từng vị trí, chức danh công tác nói riêng. Song song đó, việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ (là phải đáp ứng gần như vô điều kiện), trách nhiệm (phải thực hiện cho đạt kết quả tốt nhất) và quyền lợi (nếu không học thì tự mình đào thải) của mỗi cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, đào tạo lý luận chính trị là trách nhiệm (và thẩm quyền) của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan đào tạo nhưng cũng liên quan trực tiếp đến việc quy hoạch, bố trí, cử đi học của các cấp ủy, các đơn vị. Khi nhiệm vụ này được thực hiện thì phát sinh nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên đi học. Hai yêu cầu này có sự liên hệ chặt chẽ với nhau; nếu cấp ủy không quan tâm việc cử đi đào tạo lý luận chính trị thì cán bộ, đảng viên sẽ khó có cơ hội được học tập, cơ quan, đơn vị sẽ không có đủ nguồn cán bộ đủ chuẩn chất cho các chức danh, từ đó tác động ngược trở lại đến việc trong sạch, vững mạnh của tổ chức đảng, của cấp ủy.

Tuy nhiên, có lẽ cần chú trọng nhiều hơn đến phía của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để từ đó đạt đến quyền lợi của mình trong hệ thống chính trị. Trên thực tế, có cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng về yêu cầu này; có người cho rằng việc đi học lý luận chính trị là nhiệm vụ được tổ chức phân công, nên xem đi học như thực hiện một công tác nhưng không thấy đó là quyền lợi của mình, học bằng tâm thế cho xong chứ không chú trọng tiếp thu được kiến thức gì, rèn luyện được kỹ năng gì, rút được kinh nghiệm gì… Có cán bộ, đảng viên đi học xem như là việc cho bản thân mình nên tách hẳn các công việc của cơ quan, tổ chức, không gắn việc học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc…

Xem thêm:  Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều

Nhưng đáng tiếc nhất hẳn là hiện tượng có cán bộ, đảng viên không xem trọng việc học tập lý luận chính trị. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhìn nhận: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Các biểu hiện cụ thể là học đối phó, chạy điểm, tranh thủ quan hệ… hơn là tập trung nghe giảng, nghiên cứu, trao đổi… để nâng cao kiến thức, giải tỏa các nhận thức chưa đúng, khẳng định các ý kiến còn nghi ngờ… Người nào có biểu hiện này chắc chắn không xem việc học lý luận chính trị là cho bản thân hay cho tổ chức mà chẳng qua hoàn thành để đủ chuẩn bổ nhiệm, để được thăng tiến hoặc “cho xong” các yêu cầu mà cấp ủy, lãnh đạo giao cho.

Hiện nay, việc học tập lý luận chính trị phải đáp ứng nhiều yêu cầu khá khắt khe. Đó là tùy từng đối tượng, từng vị trí công tác mà được cử đi học các lớp phù hợp. Chẳng hạn, để được học cao cấp lý luận chính trị, cán bộ phải đáp ứng điều kiện về chức danh, đồng thời phải là có các tiêu chuẩn là đảng viên chính thức, tốt nghiệp đại học trở lên; nếu học hệ không tập trung thì nữ từ 38 tuổi, nam từ 40 tuổi trở lên (dưới tuổi đó thì học tập trung). Cán bộ ở một số đơn vị sự nghiệp công lập được cử đi học phải tự đóng học phí hoặc chỉ được hỗ trợ một phần; phải tuân thủ quy định về thời gian dự lớp, hoàn thành các bài kiểm tra, tiểu luận, thi giữa kỳ, thi hết môn… theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Để góp phần giúp cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng đắn và tham gia học tập lý luận chính trị đạt chất lượng, hiệu quả cao, vai trò của các cấp ủy là rất quan trọng. Trong đó, cần công khai các tiêu chí cử đi học trong cơ quan, đơn vị để mọi người cảm thấy việc đi học là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự chứ không vì “quan hệ” hoặc lý do khác. Đồng thời, phải tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên dự học một cách hợp lý, có hiệu quả; chẳng hạn, cán bộ đi học thì cần được san sẻ, hỗ trợ một số công việc chuyên môn chứ không thể buộc làm “trọn gói” như khi chưa đi học; được bảo đảm các quyền lợi theo quy định để cán bộ đi học không có cảm giác là “chỉ có mất” chứ “được chẳng bao nhiêu”; được quy hoạch, bố trí phù hợp với trình độ, tiêu chuẩn về lý luận chính trị… Dĩ nhiên, cần có các hình thức xử lý nghiêm các cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc vi phạm các quy định về học tập, như đưa ra khỏi quy hoạch, buộc hoàn trả kinh phí hay có phải chịu các biện pháp kỷ luật của tổ chức đảng…

Xem thêm:  Soạn bài Đại cáo bình Ngô - Cánh diều 10 Ngữ văn lớp 10 trang 10

Đối với các cơ sở đào tạo, cần chú trọng tính chất lượng, hiệu quả và thực tiễn, bên cạnh các đòi hỏi nghiêm túc về kỷ luật, nội quy. Tức là, khi dự một chương trình học, cán bộ, đảng viên phải thâu thái được những kiến thức thiết thực, có ích cho bản thân và cho cơ quan, đơn vị, chứ không phải nghe lại những điều đã học trước đó, chỉ được giới thiệu lý thuyết suông, tiếp cận các vấn đề thực tiễn chưa cập nhật kịp thời… Đồng thời, phương pháp truyền đạt, hình thức kiểm tra, đánh giá cũng cần được nghiên cứu sao cho phù hợp với từng đối tượng người học, từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng, từng điều kiện học tập cụ thể…

Tóm lại, việc học tập lý luận chính trị trước hết là cho từng cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, nhận thức, kỹ năng, năng lực tư duy…, đồng thời gắn với lợi ích của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng cử đảng viên đi học. Để việc học lý luận chính trị luôn thỏa hai yêu cầu đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và cơ sở đào tạo, đồng thời gắn trách nhiệm, ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên để mỗi lớp học là một loại sinh hoạt chính trị thiết thực và có ý nghĩa.

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.