Á Nam Trần Tuấn Khải – Đời văn như ngọc sáng ngời

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về Cua a nam tran tuan khai chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

Trong tiến trình của văn học việt Nam đầu thế kỷ XX, Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983) là một gương mặt tiêu biểu. Với cốt cách của bậc trí Nho, văn chương của ông luôn đong đầy những giá trị về văn hóa, dân tộc và trách nhiệm với thời cuộc. Cuộc đời và văn nghiệp của Á Nam, đặc biệt là hơn 20 năm sống ở miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975, luôn sáng trong như ngọc bởi được tạo nên từ phẩm chất của một con người nặng nỗi niềm cùng non sông đất nước.

Á Nam Trần Tuấn Khải (ảnh: Internet)

Trí vững, tâm thiện giữa thời cuộc

Sinh ra và sống gần trọn một lục thập hoa giáp ở miền Bắc, Á Nam Trần Tuấn Khải đã tạo lập được một vị trí vững vàng trong đời sống văn học Việt Nam trong chặng đầu thế kỷ XX. Tới năm 1954, khi Hiệp định Genève ký kết, ông đã cùng nhiều văn nhân nghệ sĩ đất Bắc (Tam Lang, Vũ Bằng, Bàng Bá Lân, Lê Văn Siêu, Vũ Khắc Khoan…) đành chấp nhận rời xa nơi chôn nhau cắt rốn để vào Nam. Với Á Nam, vào miền đất mới là để “ở với mấy người con lớn đã vào sinh sống ở Sài Gòn từ lâu”[1] và cũng có một phần là lý do văn chương, khi mà trước đó ông đã từng cộng tác với một số tờ báo ở Sài Gòn. Việc có mặt trong đoàn văn sĩ vào Nam, Á Nam đã cùng với nhiều người góp phần “bổ sung cho bức tranh văn học ở đô thị miền Nam sự đa dạng về phong vị xứ sở, về cách nhìn nhận cuộc sống cũng như phong cách thể hiện”[2].

Sinh sống và làm việc dưới một thể chế hoàn toàn khác lạ ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, Á Nam vẫn luôn giữ cho mình phẩm chất thiện lành của kẻ sĩ mang căn cốt Nho học. Trong công việc, ông đã lựa chọn: “làm công tác dịch thuật (cổ văn) hơn là sáng tác văn chương, phụ trách việc khảo cứu cổ văn (Hán văn)”[3] để tiếp nối công việc đã làm từ thời kỳ còn ở miền Bắc. Nhiều công trình lớn, đặc biệt là những ấn phẩm thiên về Phật giáo và văn học Trung đại Việt Nam đã được Á Nam dịch: Pháp cú kinh (1963), Ức Trai Tướng công di tập (1966), Tam tổ hành trạng (1971), Tự Đức Thánh chế văn tam tập (1973)… Các công trình này đã giúp cho độc giả ở đô thị miền Nam có thêm một nguồn tư liệu Hán văn phong phú, qua đó giúp cho thị trường sách vở miền Nam có thêm sự phong phú, đa dạng.

Xem thêm:  Văn mẫu lớp 11: Phân tích cái tôi ngất ngưởng trong bài thơ Bài ca

Trong hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Á Nam Trần Tuấn Khải cũng đã có những hoạt động tích cực. Ông đã cộng tác với một số cơ quan báo chí tại miền Nam như tuần báo Sống, Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, Đuốc Nhà Nam, Văn hóa nguyệt san, Tin văn, Phổ thông, Bách khoa… Đây là các tờ báo cấp tiến, có mục đích hướng đến các giá trị văn hóa dân tộc, chuyển tải những giá trị trong văn học cổ góp phần làm phong phú văn hóa nước nhà, đồng thời mở mang sự tiếp nhận các giá trị của nhân loại. Chẳng hạn như tuần báo Sống, một trong những tôn chỉ mục đích của tuần báo này là: “Đem văn chương mà ca tụng, bày tỏ, tả vẻ những cái hay, cái đẹp của phong cảnh non sông đất nước nhà (…) khiến cho nước ta ai ai cũng có lòng yêu nòi giống, yêu đất nước một cách giản dị mà thành thật, thiết tha”[4]. Các hoạt động của Á Nam cho thấy đây là một hướng đi có chủ đích, giúp ông vừa giữ vững được chữ tâm của bậc trí nho vừa khích lệ, ngợi ca những giá trị nhân văn của dân tộc trong hoàn cảnh xã hội bộn bề.

Đặc biệt, với trách nhiệm “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, Trần Tuấn Khải cũng đã tham gia một số hoạt động cách mạng, yêu nước: Khoảng năm 1965-1966, ông cùng một số trí thức tiến bộ ký tên yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hòa bình. Vì lý do này ông đã bị nhà đương cục buộc nghỉ việc. Sau đó, ông được Mặt trận Giải phóng mời ra làm chủ tịch danh dự Phong trào Bảo vệ Văn hóa Dân tộc. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông giữ chức Cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 cho đến khi mất (1983).

Văn sáng, thơ trong cùng nước non

Ngay khi xuất hiện trên văn đàn Việt Nam với tập thơ Duyên nợ phù sinh, thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải đã mang đến phong thái, xúc cảm mới và được giới văn học đương thời lưu tâm. Đặc biệt, khi Bút quan hoài ra đời, tập thơ đã bị thực dân Pháp ra lệnh cấm lưu hành vì nó gồm những bài bi tráng mang nặng nỗi niềm của một đất nước đang bị đô hộ, và cũng vì “đã có những ảnh hưởng nhất định đối với các nhà văn cùng thời”[5]. Theo Xuân Diệu: “14 tuổi, tôi mượn được quyển Bút quan hoài. Tôi chép vào quyển vở mới một số đoạn thơ thích nhất… Quyển vở thơ Trần Tuấn Khải quý báu của tôi, như là tiếng gọi của lương tâm!”[6]; còn thi sĩ Nguyễn Vỹ cảm tưởng:“Tôi đọc Bút Quan Hoài của Trần Tuấn Khải từ lúc còn nhỏ (…) Đầu óc con nít học trò, cảm thấy hai bài thơ chứa đựng tư tưởng thâm trầm và bi thương về Nước, của người dân mất Nước, tự nhiên chiêm ngưỡng tác giả như một thần tượng”[7]. Và, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt (một thi sĩ miền Nam, là soạn giả bộ Thi ca Việt Nam hiện đại) đã bộc bạch: “Chúng tôi từ nhỏ, lúc còn học ở trường tiểu học Sa Đéc, được thầy dạy vài câu thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải (…) Thơ ông đã gieo vào lòng chúng tôi một mối cảm thông hoàn cảnh đất nước. Như một ánh sáng chói lọi mở cho con mắt trẻ trung của chúng tôi nhìn thấy cảnh điêu tàn của quê hương”.[8]

Xem thêm:  Khối B01, B02, B03 là gì? Gồm những môn nào? Xét tuyển ngành

Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tại Hội thảo quốc gia “Sáng tác của Á Nam Trần Tuấn Khải trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX” tại Huế (ảnh: Sỹ Bùi)

Giá trị của văn thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, ngay từ buổi đầu xuất hiện, chính là những nỗi niềm đau đáu trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã dùng chuyện xưa tích cũ từ trong những trang sử hào hùng của dân tộc để gửi gắm nỗi niềm, thể hiện trách nhiệm cá nhân khi vận mệnh dân tộc đang đối mặt với lâm nguy. Các tác phẩm như: Hai chữ nước nhà, Chiều thăm Đống Đa, Kỷ niệm Hai Bà Trưng, Kỷ niệm anh em Tây Sơn, Nỗi chị khuyên em, Chơi thành Cổ Loa, Vịnh cảnh Hồ Tây, Đề đền Vua Hùng Vương, Văn tế Trần Hưng Đạo, Tráng sĩ hành… là những tác phẩm tiêu biểu cho nỗi niềm này của Á Nam. Mượn thơ văn, ông ngợi ca các anh hùng dân tộc đã anh dũng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm; phê phán sự tàn bạo của kẻ ngoại bang xâm lược; khích lệ lòng tự hào, tự tôn dân tộc: “Bây giờ dân tộc lầm than/ Lấy ai cứu vớt giang san nước nhà” (Kỷ niệm anh em Tây Sơn); “Làm trai hồ thỉ bốn phương/ Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng” (Hai chữ Nước nhà);“Cùng Âu Mỹ năm châu chen bước, so người nay chưa được thỏa thuê/ Cũng Rồng Tiên trăm trứng chư hầu, coi gương trước khỏi điều thẹn hổ”(Văn tế Trần Hưng Đạo)… Đặt trong bối cảnh đất nước chịu sự đô hộ của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, các bài thơ với đề tài lịch sử của Á Nam không chỉ là biểu hiện của một nhân cách đau đáu hồn nước, của một tình yêu lớn đối với giống nòi, quê hương xứ sở mà còn là một “Sáng tạo trong tình thế thuộc địa”[9].

Xem thêm:  Mẫu kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của Tổ chuyên môn

Giá trị sáng ngời của văn chương Á Nam còn là sự chuyển tải những mạch nguồn không ngừng nghỉ của các giá trị văn hóa truyền thống. Đó là tình yêu, lòng tự hào về quê hương xứ sở qua những câu thơ tha thiết ngợi ca về cảnh đẹp núi sông: “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ/ Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn/ Đài Nghiên, Bút Tháp chưa mòn/ Hỏi ai tô điểm nên non nước này” (Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ); về tình làng nghĩa xóm: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương…” (Anh đi anh nhớ quê nhà), “Khóm trúc rì rào trận gió đưa/ Ba gian nhà lá cảnh quê mùa/ Đàn gà ổ xuống khua giời sáng/ Lũ trẻ đồng về rộn lúc trưa…” (Ở nhà quê). Hầu như trong hầu hết các tác phẩm của Á Nam (đặc biệt là thơ) đều bàng bạc tình yêu quê hương đất nước, dân tộc: “Thơ ca của ông dù được biểu hiện dưới dạng thức nào thì hầu như cũng chỉ trở đi trở lại chủ đề non nước”[10].

Có thể nói, văn chương của Á Nam đã ít nhiều giúp cho văn học Việt Nam “có thêm những sắc màu mới, những cung bậc yêu nước mới, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và hiện đại hóa nền văn học nước nhà”[11]. Với các giá trị không thể phủ nhận, Á Nam Trần Tuấn Khải đã được chọn là một trong 63 tác giả tiêu biểu của dòng Văn học yêu nước tiến bộ – cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954-1975[12], và sau này thơ văn của ông cũng đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn của bậc học phổ thông. Các bài như Hai chữ nước nhà, Gánh nước đêm, Anh đi anh nhớ quê nhà, Tiễn chân anh khóa xuống tàu… đã trở thành những bài ca nằm lòng của biết bao thế hệ người Việt.

Sỹ Bùi

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.