Kĩ thuật dạy học tích cực ” Khăn trải bàn”

Chào mừng bạn đến với pgdgiolinhqt.edu.vn trong bài viết về Phương pháp khăn trải bàn chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của mình cung cấp kiến thức chuyên sâu dành cho bạn.

TẠO HỨNG THÚ VÀ RÈN KĨ NĂNG HOẠT ĐỘNG NHÓM CHO HỌC SINH THÔNG QUA KĨ THUẬT “KHĂN TRẢI BÀN”

I. Lý do hình thành biện pháp

Hoạt động nhóm là một trong những hình thức dạy học quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học, được rất nhiều GV lựa chọn và sử dụng thường xuyên với mục đích giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tự học và giải quyết vấn đề, phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm; phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác của HS. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc nhóm ở trường phổ thông hiện nay tồn tại những hạn chế đó là: GV khó kiểm soát được quá trình làm việc của cá nhân; khó đánh giá được sự tham gia, đóng góp của cá nhân vào kết quả của nhóm; tình trạng ỉ lại của số đông HS khi chỉ một vài HS của nhóm làm việc, học sinh hầu như chưa biết quy trình tổ chức hoạt động nhóm, hoặc đã được biết, được hướng dẫn nhưng ít quan tâm, những HS có năng khiếu hơn thì ít lắng nghe ý kiến của bạn khác … dẫn đễn việc tổ chức hoạt động nhóm trong dạy học chưa thật sự hiệu quả (ít nhất là với bản thân tôi). Thời gian qua, tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này, đã áp dụng một số kĩ thuật dạy học tích cực và đã tìm ra được giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh, trong đó kĩ thuật “Khăn trải bàn” là giải pháp tôi cho rằng đã mang lại hiệu quả rất tốt đối với học sinh trong hoạt động nhóm.

II. Nội dung biện pháp

2.1. Giáo viên phải nắm vững kĩ thuật, hướng dẫn học sinh thông hiểu kĩ thuật.

1. Khái niệm

Kĩ thuật khăn trải bàn là kĩ thuật tổ chức hoạt động học tập mang tính hợp tác, kết hợp giữa hoạt động cá nhân và nhóm của học sinh thông qua sử dụng phiếu học tập được bố trí như khăn trải bàn.

2. Mục tiêu

– Kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực của HS.

– Tăng cường tính độc lập, trách nhiệm của cá nhân HS.

– Phát triển mô hình có sự tương tác giữa HS với HS.

3. Cách tiến hành

Bước 1: Giao nhiệm vụ học tập

– Chia học sinh thành các nhóm (4 – 6 học sinh/nhóm), mỗi HS ngồi vào vị trí đã đánh số trên phiếu học tập.

– GV giao nhiệm vụ thảo luận có tính mở và phát cho mỗi nhóm một phiếu học tập (dạng một tờ giấy A0, A1).

Bước 2: Làm việc cá nhân

– Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút, ghi câu trả lời vào phần giấy của mình trên phiếu học tập.

Bước 3: Thảo luận, thống nhất ý kiến chung

– Trên cơ sở ý kiến cá nhân, các thành viên chia sẻ, thảo luận, thống nhất ý kiến và viết vào phần chính giữa của phiếu học.

4. Ưu, nhược điểm

– Ưu điểm:

+ Kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực.

+ Tăng cường tính độc lập, trách nhiệm của từng cá nhân HS.

+ Phát triển mô hình có sự tương tác giữa HS và HS

– Nhược điểm:

+ Mất thời gian để chuẩn bị giấy cho mỗi lần sử dụng, tốn kinh phí vì giấy Ao phải chuẩn bị nhiều.

+ Đặc biệt với những em …., sẽ không tránh khỏi việc trông chờ vào những HS học tốt hơn, đợi các bạn viết trước rồi viết theo, điều này nếu GV không kiểm soát tốt sẽ làm phản tác dụng của kĩ thuật dạy học này.

+ Mất khá nhiều thời gian trong quá trình tổ chức hoạt động nếu GV không quản lí tốt.

2.2. Nghiên cứu bài dạy, lựa chọn các hoạt động trong từng bài học có thể sử dụng tốt kĩ thuật khăn bàn.

Xem thêm:  Trẻ em nên ăn gì trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19? - Bộ Y tế

Là giáo viên giảng dạy ở lớp 5, tôi đã nghiên cứu các bài dạy, lựa chọn các hoạt động trong từng bài học có thể sử dụng tốt và đã vận dụng kĩ thuật khăn bàn.

vào thực tế giảng dạy hằng ngày.

Môn Toán: Những bài học về nhận biết đặc điểm của các hình, các bài ôn tập đòi hỏi HS hệ thống lại nhiều kiến thức, dạng toán, các công thức đã học.

Ví dụ:

Bài Hình hộp chữ nhật, hình lập phương

Bài Ôn tập các dạng toán đã học

Bài Ôn tập về tính chu vi và diện tích một số hình….

Môn Tiếng Việt:

Phân môn LTVC: Trong các tiết MRVT, Tổng kết vôn từ thường có một hoặc có một số bài tập tìm từ mang tính mở, rất phù hợp để sử dụng kĩ thuật này.

BT3: Trong từ Tổ quốc, tiếng quốc có nghĩa là nước. Em hãy tìm thêm những từ chứa tiếng quốc. MRVT: Tổ quốc; BT3, BT4 bài MRVT: Thiên nhiên; BT3, MRVT: Hạnh phúc (SGKTV5, tập 1); BT2, MRVT: Trật tự-An ninh: Tìm những danh từ, động từ có thể kết hợp với từ An ninh, SGKTV5, tập 1 trang 59; BT3, trong bài Tổng kết vốn từ, trang 151, SGKTV5, tập 1.

Ngoài ra rải rác ở các nội dung khác của phân môn này, các bài tập có tính mở cũng xuất hiện không ít.

VD: Trong bài Từ trái nghĩa; bài “Luyện tập về quan hệ từ”, môn Luyện từ và câu lớp 5 (SGK Tiếng Việt 5, trang 121).

Môn Khoa học: Sử dụng tốt ở bước 2 khi dạy các bài dạy theo PPBTNB. Ngoài ra với chủ đề Con người và sức khỏe tìm hiểu về cách phòng tránh các loại bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, viêm gan A, HIV/AIDS; (Bài 12;13;14;15;16); Bài 18: Phòng tránh xâm hại; Bài 19: Phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ; bài 20-21: Ôn tập: Con người và sức khỏe. Tất cả các bài thuộc chủ đề: Vật chất và năng lượng trong hoạt động hướng dẫn HS tìm hiểu đặc điểm và công dụng của một số vật liệu thường dùng.

Môn Lịch sử- Địa lí: Sử dụng tốt cho các bài ôn tập cuối một giai đoạn lịch sử, một chương. Ngoài ra trong môn Địa lí có thể sử dụng tốt trong các hoạt động đòi hỏi HS phải huy động kiến thức, vốn hiểu biết từ thực tế.

Ví dụ: HĐ tìm hiểu những điều kiện hiện nay giúp ngành du lịch nước ta phát triển trong bài Thương mại và Du lịch…..

Ngoài việc nghiên cứu kĩ từng bài học, từng hoạt động để xem ở hđ nào có thể sử dụng tốt kĩ thuật này thì khâu tổ chức làm sao cho thật hiệu quả, phát huy tối đa ưu điểm, khắc phục được những hạn chế của kĩ thuật này thì đó là nghệ thuật của GV lên lớp.

2.3. Một số ví dụ minh họa cụ thể

1. Sử dụng kĩ thuật “khăn trải bàn” trong hoạt động 2, bài “Cao su”- SGK Khoa học 5, trang 62. (Đây chính là bước 2 trong Bàn tay nặn bột)

* Mục tiêu: HS đưa ra được các dự đoán về tính chất của Cao su.

* Chuẩn bị: Giấy A0, đã thiết kế sẵn mô hình chung của kĩ thuật “Khăn trải bàn”, bút dạ.

* Cách tiến hành:

– Thành lập nhóm (4HS/ nhóm), HS thảo luận phân công nhiệm vụ bao gồm nhóm trưởng quản lí chung, quản lí tiếng ồn, quản lí thời gian, và thứ kí.

– Nhóm trưởng nhận đồ dùng.

– HS ngồi vào vị trí đánh số (ghi tên) của mình.

– Giáo viên nêu nhiệm vụ:

+ Trong thời gian 2 phút, mỗi cá nhân phải suy nghĩ, liên hệ thực tế, dựa vào vốn hiểu biết cá nhân để đưa ra được những dự đoán xem: Cao su có những tính chất gì? Ghi nhanh kết quả vào phần ô mang số (mang tên) của mình.

Xem thêm:  Bột năng là bột gì? Công dụng và cách sử dụng đúng bột năng

+ Hết thời gian 2 phút, tiến hành chia sẻ, thảo luận trong nhóm, đưa ra các ý kiến thống nhất về kết quả dự đoán của nhóm và thư kí ghi nhanh vào phần chính giữa của tờ giấy.

Nhóm nào có nhiều dự đoán nhất sẽ được chọn dán sản phẩm lên bảng và báo cáo kết quả.

* HS tiến hành hoạt động nhóm.

* Chia sẻ kết quả dự đoán:

– Nhóm có nhiều dự đoán nhất sẽ dán Sản phẩm lên bảng lớp và báo cáo kết quả.

– Các nhóm khác dùng bút khác màu để đánh dấu những đáp án trùng với đáp án của nhóm bạn, những đáp án nhóm bạn có mà nhóm mình không có thì mình ghi bổ sung nhanh vào, những đáp án nhóm mình có mà bạn không có thì sẽ có ý kiến bổ sung, kết quả các nhóm sẽ được lưu lại ở những vị trí dễ theo dõi, quan sát.

* Kết quả: Tất cả học sinh tham gia nhóm một cách tích cực, chủ động, mỗi cá nhân thực hiện nhanh yêu cầu, sau đó trao đổi thảo luận để thống nhất chung trong nhóm đúng thời gian quy định. Đặc biệt với cách báo cáo kết quả như thế, giảm được thời gian mà tất cả các nhóm đều có cơ hội được báo cáo và đối chiếu kết quả với các nhóm khác (Chiếu ảnh chụp HĐ nhóm).

Để giảm kinh phí, chúng ta cũng có thể sử dụng bảng phụ, dùng phấn hoặc bút lông để viết lên, sau mỗi lần sử dụng, ta dễ dàng xóa đi và tái sử dụng lần sau.

Ngoài ra, tôi biến thể Khăn trải bàn thành dạng khác nhằm tiết kiệm vật liệu và tạo ra sự thay đổi thú vị. Thay vì các em viết vào giấy A0, tôi phát cho mỗi nhóm một tờ giấy A4 và 4 mảnh giấy nhớ.

(Chiếu hình ảnh).

Với cách này, ngoài tiết kiệm được vật liệu, HS lại dùng bút mực, viết vào giấy A4 đáp án chung theo cỡ chữ các em thường viết nên rất dễ viết nhanh, giảm được thời gian hoạt động thì bù lại GV phải cần có thêm kĩ thuật nhỏ là chụp kết quả của một vài nhóm và thao tác nhanh để chiếu lên màn chiếu.

2. Sử dụng biến thể của Khăn trải bàn để tổ chức cho học sinh làm bài tập 3 trong bài “Luyện tập về quan hệ từ”, môn Luyện từ và câu lớp 5 (SGK Tiếng Việt 5, trang 121).

Nội dung yêu cầu bài tập 3 như sau.

Tìm quan hệ từ (và, nhưng, trên, thì, ở, của) thích hợp với mỗi ô trống dưới đây:

a. Trời bây giờ trong vắt, thăm thẳm ….. cao.

b. Một vầng trăng tròn, to,….đỏ hồng, hiện lên ….chân trời, sau rặng tre đen…..một ngôi làng xa.

Theo Thạch Lam

c. Trăng quầng…hạn, trăng tán…mưa.

Tục ngữ

d. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân ở nhiều chỗ hẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng…..yêu thương tôi hết mực, …sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.

Theo Nguyễn Khải

Ở HĐ này, tôi điều chỉnh cách tạo “Khăn trải bàn” bằng cách chuẩn bị một số cánh hoa bằng giấy khác màu, phát cho mỗi nhóm 16 cánh hoa sao cho mỗi học sinh có 4 cánh hoa cùng màu để các em ghi câu trả lời cho 4 câu trên.

+ Trong thời gian 2 phút, mỗi cá nhân suy nghĩ và ghi đáp án mỗi câu trên một cánh hoa. Sau đó dán vào xung quanh nhụy họa ghi tên của mình.

+ Hết thời gian 2 phút, tiến hành chia sẻ, thảo luận trong nhóm, thống nhất đưa ra các ý kiến chung, HS nào có ý kiến trùng với ý kiến đã thống nhất thì sẽ được gỡ cánh hoa ghi đáp án đó ra và dán lại tạo thành bông hoa chính giữa giấy A1. Nếu có đáp án trùng nhau thì dán chồng lên nhau một phần.

Việc này, sẽ giảm được thời gian hoạt động vì các nhóm không phải ghi lại kết và rất dễ nhận biết được cá nhân nào có nhiều đáp án đúng nhất (đó là cá nhân có nhiều nhất số cánh hoa bị gỡ ở bông hoa của mình).

Xem thêm:  Review sách Phương pháp VPA – Kỹ thuật nhận diện dòng tiền

Cách làm này kích thích hứng thú học tập của học sinh rất mạnh. Các em thực hiện nhiệm vụ một cách hào hứng, kết quả mang lại khá tốt (trình chiếu), GV rất dễ để đánh giá được năng lực, hiệu quả làm việc của từng cá nhân HS.

3. Hiệu quả của việc áp dụng biện pháp trong thực tế dạy học.

Với việc áp dụng biện pháp trên vào thực tế giảng dạy, HS lớp tôi đã đạt được những kết quả như sau:

– HS rất hứng thú, sôi nổi, hào hứng khi tham gia hoạt động nhóm, biết cách hoạt động nhóm theo đúng quy trình

– Kĩ năng giao tiếp và hợp tác của học sinh đã tiến bộ rõ rệt, hầu hết học sinh có kĩ năng giao tiếp tốt, đoàn kết, hợp tác trong mọi hoạt động.

– Rèn luyện kỹ năng làm việc độc lập, năng lực tự chủ và tự học; năng lực giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau không ngừng phát triển một cách rất tự nhiên bằng sự nỗ lực tìm tòi, cải tiến cách làm qua sự chia sẻ lẫn nhau. HS chủ động, tích cực trong học tập, mỗi HS đều đưa ra ý kiến của mình về chủ đề đang thảo luận, không ỷ lại vào các bạn có năng khiếu, phát triển được phẩm chất trách nhiệm trong hoạt động.

Kỹ thuật khăn trải bàn được sử dụng vào hoạt động làm việc nhóm hoàn toàn khắc phục được những hạn chế đã nói ở trên:

+ Giáo viên kiểm soát được hoạt động của cá nhân qua “vết” ghi lại tại phần ý kiến cá nhân.

+ Giáo viên đánh giá được sự tham gia của học sinh qua so sánh ý kiến cá nhân và ý kiến chung. Đây là tác dụng quan trọng của kĩ thuật này.

– Cách hoạt động nhóm này đã lan tỏa đến cách học của HS trong tất cả các môn học, được các GV bộ môn đánh giá HS lớp tôi có kĩ năng hoạt động nhóm rất tốt.

– Góp phần làm nên kết quả học tập cuối năm học 2019-2020 của HS lớp khá thuyết phục.

4. Kết luận

Để sử dụng hiệu quả kĩ thuật khăn trải bàn cần Một số lưu ý

– GV phải luôn bao quát lớp, giúp đỡ, định hướng kịp thời để HS tập trung vào chủ đề đang thảo luận, tránh sa vào những vấn đề không trọng tâm. Đảm bảo được tất cả HS đều phải đưa ra được ý kiến riêng của mình mà không phụ thuộc vào những bạn khác trong nhóm.

– Áp dụng cho hoạt động nhóm với chủ đề nhỏ trong tiết học.

– Tất cả HS đều được nghiên cứu về một vấn đề với các câu hỏi thảo luận là câu hỏi mở, tạo điều kiện để HS đưa ra được đa dạng các ý trong câu trả lời.

– Sau khi các nhóm hoàn tất công việc, GV yêu cầu các nhóm gắn sản phẩm của nhóm vào những vị trí dễ quan sát trong lớp để cả lớp cùng theo dõi, nhận xét.

– HS ghi tên vào góc phiếu để GV dễ dàng đánh giá được thái độ, năng lực, hiệu quả làm việc của từng em.

– Kĩ thuật “Khăn trải bàn” là kĩ thuật đơn giản, dễ thực hiện, có thể sử dụng tốt cho nhiều bài học, môn học.

– Ngoài “Khăn trải bàn”, chúng ta cũng có thể áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực khác cũng có ý nghĩa tương tự như kĩ thuật “Các mảnh ghép”, “Bản đồ tư duy”… Nhưng đối với HS tiểu học, đây là hình thức dễ thực hiện và tạo nên hứng thú nhiều hơn cho các em trong học tập.

Lê Thị Tâm @ 10:31 28/03/2021 Số lượt xem: 13549

Rate this post

KevinNguyen

Kevin Nguyễn - Người quản trị nội dung web là một chuyên gia sáng tạo và chuyên nghiệp trong việc quản lý, phát triển và duy trì nội dung website. Với khả năng phân tích và đánh giá thông tin chính xác, anh/chị đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho cộng đồng.