Bà Võ Thị Ánh Xuân là Phó Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất khi nhậm chức
- Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhậm chức ở tuổi 51, trẻ nhất trong lịch sử.
- Quốc hội cũng bầu ông Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV làm Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.
- Ông Lê Minh Trí cũng được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào chiều nay (26/7).
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ nhất, khóa XV, Quốc hội đã tiến hành bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào chiều nay (26/7).
Bà Võ Thị Ánh Xuân được bầu tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ gần 97%.
Tân Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh: VnExpress.
Bà Võ Thị Ánh Xuân sinh năm 1970, ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và là thạc sĩ Quản trị công. Bà Võ Thị Ánh Xuân xuất thân là giáo viên Trường Phổ thông trung học Mỹ Thới (thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang) sau đó chuyển sang Văn phòng Tỉnh ủy An Giang làm chuyên viên nghiên cứu tổng hợp từ 1996-2001. Bà Võ Thị Ánh Xuân trải qua nhiều vị trí công tác tại Tỉnh ủy An Giang và làm Bí thư Tỉnh ủy An Giang từ tháng 10/2015 cho tới khi được Quốc hội khóa XIV bầu làm Phó chủ tịch nước hồi 4/2021 vừa qua. Bà Võ Thị Ánh Xuân cũng là Phó Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất vào thời điểm nhậm chức khi mới 51 tuổi.
Đồng thời, Quốc hội cũng bầu ông Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao với tỷ lệ hơn 96%.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhâm chức. Ảnh: Cổng TT Quốc hội.
Ông Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1958 ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và có trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV… Giai đoạn 1975-1980, ông Nguyễn Hòa Bình là học viên Trường Trung cấp Công an Hải Phòng; sinh viên, Tiểu đội trưởng, Đại học An ninh nhân dân. Sau khi tốt nghiệp, ông Bình công tác trong ngành công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng sau đó chuyển tới Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an, làm tới chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra án tham nhũng, được phong hàm thiếu tướng công an vào tháng 4/2007.
Từ 2008, ông Nguyễn Hòa Bình được điều động làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào tháng 6/2010). Tháng 7/2011 đến tháng 4/2016, ông được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Từ tháng 4/2016 tới nay, ông Bình được bầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Tại Đại hội XIII vừa qua, ông được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII.
Ngoài ra, ông Lê Minh Trí cũng vừa được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2025.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Zing.
Ông Lê Minh Trí sinh năm 1960 ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM và có trình độ đại học An ninh và cử nhân Luật. Ông Lê Minh Trí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Ông Lê Minh Trí xuất thân là học viên Trường đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân), sau đó làm việc trong ngành Công an TP HCM. Giai đoạn 1992-2000, ông Trí là cán bộ biệt phái cấp hàm trung tá an ninh, Thư ký Chủ tịch UBND TP HCM. Sau đó, ông Trí trải qua nhiều năm công tác tại UBND TP HCM và đảm nhiệm tới chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Năm 2013, ông Trí được điều động, bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Từ tháng 4/2016 tới nay, ông Trí được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Tại Đại hội XIII vừa qua, ông Trí là một trong số các trường hợp đặc biệt Ủy viên Trung ương tái cử khóa XIII.